Nhật Bản phát triển nhựa phân hủy trong nước biển

Loại nhựa “siêu phân tử” với độ bền tương tự nhựa thông thường, nhưng có thể phân hủy trong nước biển, giúp giảm ô nhiễm môi trường.

Tờ Japan Times cho biết, một nhóm các nhà khoa học Nhật Bản đã phát triển thành công một loại nhựa có thể phân hủy trong nước biển chỉ sau vài tiếng. Thông tin được công bố trên Tạp chí Khoa học Science của Mỹ, số ra ngày 22/11.

Nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Riken và Đại học Tokyo. Vật liệu này được gọi là nhựa “siêu phân tử” có độ bền tương tự và dễ xử lý như nhựa gốc dầu mỏ (hay nhựa hydrocarbon, loại nhựa tổng hợp có nguồn gốc từ dầu mỏ hoặc khí tự nhiên).

Loại nhựa “siêu phân tử” không màu, trong suốt, với độ đặc cao, được làm từ các monome sử dụng trong phụ gia thực phẩm; monome được tạo ra trong vật liệu hữu cơ. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, khi điều chỉnh hàm lượng monome, có thể mang lại nhiều đặc tính khác nhau cho vật liệu, như khả năng chịu nhiệt, độ cứng, độ bền…

Nhựa “siêu phân tử”. Ảnh: Kyodo News

Theo GS Takuzo Aida, ĐH Tokyo và đồng thời là Giám đốc Trung tâm Khoa học Vật chất mới nổi, thuộc Viện Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Riken, khi loại nhựa này ngâm trong nước, muối trong nước biển khiến vật liệu nhanh chóng bị phân tách thành các monome. Chúng sẽ tiếp tục bị phân hủy do vi khuẩn trong đại dương hoặc đất.

Nhóm nghiên cứu cho biết, loại nhựa mới này có thể tái chế và không bắt lửa. Dự kiến sẽ được ứng dụng trong các bộ phận máy móc chính xác và keo dán kiến trúc. Ngoài ra, đặc tính chống thấm nước giúp nó có thể sử dụng đa dạng trong đời sống. Giá thành thấp cũng là một điểm cộng rất lớn.

Nhựa “siêu phân tử” được kỳ vọng sẽ làm giảm ô nhiễm môi trường do vi nhựa và sự tích tụ nhựa trong đại dương. Hiện các loại nhựa thông thường dùng đang tích tụ ngày càng nhiều dưới đáy đại dương bởi chúng không thể tự phân hủy..

Scroll to Top