Chuyên gia Nhật chỉ cách đối phó “quấy rối tiếng ồn” ở công sở

Những tiếng nhấn phím "Enter" mạnh trên máy tính, đập chồng tài liệu xuống bàn, gõ bàn trong cuộc họp, âm thanh từ tai nghe khi xem video trong giờ giải lao… khiến nhiều người gặp stress tại nơi làm việc.

Quấy rối tiếng ồn là gì?

Tại Nhật Bản, hầu hết mọi người đều chú trọng không gian riêng tư của mình và người khác. Khi làm việc tại văn phòng cũng không ngoại lệ. Người Nhật thường cố gắng không tạo ra tiếng ồn để ảnh hưởng tới đồng nghiệp. Tuy nhiên, không ít trường hợp, chúng ta gặp phải một vài người vô tâm, thản nhiên gây tiếng ồn ở công sở. Người Nhật gọi đó là tình trạng “quấy rối tiếng ồn”.

Một số hành vi bao gồm:

  • Nhấn phím “Enter” trên bàn phím máy tính mạnh hơn mức cần thiết
  • Đóng sầm ngăn kéo bàn làm việc
  • Đập chồng tài liệu xuống bàn
  • Đi nhanh bằng giày cao gót gây ra tiếng “lạch cạch”
  • Gõ bàn khi phát biểu trong cuộc họp
  • Âm thanh từ tai nghe khi xem video trong khu vực giải lao.

Điều khiến vấn đề “quấy rối tiếng ồn” trở nên nhức nhối hơn là bởi người gây ra tiếng ồn thường không nhận thức được rằng họ đang (vô tình) tạo ra những âm thanh khó chịu cho người khác.

Bạn muốn cảnh báo đồng nghiệp không nên tiếp tục gây ra những tiếng động như vậy. Nhưng nếu nói trực tiếp “Anh/chị đang làm ồn quá” hoặc “Xin hãy giữ yên lặng”, có lẽ sẽ gây mất hòa khí. Vậy phải làm gì?

Chuyên gia đưa lời khuyên khi gặp “quấy rối tiếng ồn”

Trên tờ Mainichi, ông Tsuyoshi Miyamoto, nhà tâm lý học công cộng, Chủ tịch Mental Link Inc., công ty cung cấp chương trình đào tạo doanh nghiệp về các biện pháp chống quấy rối và tư vấn cho nhân viên, đã đưa ra lời khuyên.

Đầu tiên, nên nói với quản lý cấp trên về vấn đề bạn đang gặp phải và thêm một đề xuất giải pháp.

Ví dụ: thay vì nói “Đây là hành vi quấy rối bằng tiếng ồn. Vui lòng cảnh báo ông/bà A”, bạn có thể nói với cấp trên rằng, “Tiếng ồn của ông/bà A làm tôi khó chịu và khiến tôi khó tập trung vào công việc. Tôi có thể đeo tai nghe trong một khoảng thời gian nhất định không?”.

Thứ hai, nên quan sát kỹ người gây ra tiếng ồn, như thời điểm họ thường gây tiếng ồn có phải giờ cố định không. Ví dụ, người B thường xem đeo tai nghe xem video lớn tiếng trong giờ nghỉ trưa. Bạn hãy rời khỏi văn phòng vào thời điểm đó.

Thứ ba, bạn có thể tự làm giảm căng thẳng khi nghe tiếng ồn bằng cách nắm chặt tay hết mức có thể, sau đó mở tay ra, thư giãn và dồn sự tập trung vào lòng bàn tay. Hoặc cách khác là: nâng cả hai vai lên sao cho gần chạm vào tai, thư giãn và dồn tập trung vào gáy và vai. Mỗi bài tập thư giãn cơ này chỉ kéo dài năm giây, nhưng đều có hiệu quả.

Hãy thử thực hiện nhé!

Scroll to Top