Cách người Nhật dùng 6 loại rong biển phổ biến

Rong biển được coi là siêu thực phẩm bởi hàm lượng dinh dưỡng cao và lành mạnh. Tại Nhật, có 6 loại rong biển, bạn dễ dàng chế biến thành nhiều món ngon cho gia đình.

Từ thời xa xưa, người Nhật đã sử dụng rong biển (海藻 かいそう) theo nhiều cách khác nhau. Trong chế độ ăn của người dân xứ sở mặt trời mọc, rong biển có vai trò quan trọng, là nguyên liệu chính trong súp miso, cơm nắm onigiri, sushi, salad, cơm bento nori…

Đây không chỉ là nguồn thực phẩm lành mạnh, mà còn được chế biến thành phân bón cho cây trồng, thậm chí ứng dụng vào liệu pháp y học cổ truyền. Các loại bột nhão làm từ rong biển được người Nhật xưa dùng để chữa bỏng, vì tin rằng chúng ngăn ngừa nhiễm trùng do vi khuẩn; làm dịu da. Đến thời hiện đại, phương pháp này được kế thừa, thông qua những miếng mặt nạ và huyết thanh rong biển.

Khi mới tới Nhật Bản, bạn có từng choáng ngợp vì không biết chọn loại rong biển nào giữa vài chục mặt hàng trên kệ siêu thị không?

Hãy cùng tìm hiểu 6 loại rong biển chính tại Nhật Bản nhé!

1/ Nori (海苔)

Nori là có lẽ loại rong biển quen thuộc nhất. Mặc dù trông nó có màu xanh lá cây, nhưng thực chất được làm từ một loại tảo đỏ. Khi phơi khô hoặc rang lên, nó chuyển màu xanh hơi ngả đen. Nori được chế biến phổ biến nhất thành các tấm mỏng, ăn liền.

Nori trong món Maki Zushi và onigiri. Ảnh: kaneta
Nori trong món Maki Zushi và onigiri. Ảnh: kaneta

Rong biển Nori chứa nhiều iốt, kali và vitamin B12, lại ít calo, khiến nó trở thành món ăn nhẹ lành mạnh vào giữa buổi. Iốt là một khoáng chất cần thiết cho quá trình trao đổi chất và giúp tuyến giáp hoạt động tốt. Ăn một tấm mỏng Nori sẽ cung cấp cho bạn khoảng một nửa lượng iốt được khuyến nghị hàng ngày, cùng với khoảng 1,2 mg vitamin B12 – loại vitamin thiết yếu hỗ trợ não bộ và hệ thần kinh, giúp hình thành các tế bào hồng cầu.

Cách ăn Nori:

  • Cuốn Maki Zushi (sushi cuộn), onigiri. Hoặc nướng mochi rồi cuốn Nori, chấm vào nước tương Nhật.
  • Xé nhỏ và rắc lên súp miso.

2/ Kombu (昆布)

Kombu là loại tảo bẹ sống ở biển, mọc thành từng dải dài lên tới hàng mét. Loại rong biển này giàu canxi, giúp cân bằng tế bào. Nó cũng chứa nhiều keratin cho mái tóc bóng mượt, móng chắc khỏe hơn. Kombu cũng giúp cải thiện tiêu hóa, chức năng tuyến giáp và hỗ trợ các bệnh viêm như viêm khớp dạng thấp. Đây cũng là nguồn cung cấp sắt tuyệt vời giúp ngăn ngừa thiếu máu và chất xơ cho bạn.

Kombu là một trong những thành phần chính trong ẩm thực Nhật Bản, được sử dụng để làm dashi (nước dùng).

Nước dùng dashi nổi tiếng không thể thiếu kombu. Ảnh: vivi
Nước dùng dashi nổi tiếng không thể thiếu Kombu. Ảnh: vivi

Cách ăn Kombu:

  • Sử dụng nước dùng Kombu cho món lẩu (nabe), shabu shabu hoặc các món súp.
  • Xào cùng bắp cải và các loại rau.
  • Sử dụng làm Kombucha, một loại trà Nhật giàu khoáng chất, hỗ trợ tiêu hóa.
  • Rong biển Kombu khô như torobe giá khoảng 300 yên có thể dùng làm bữa phụ ăn nhẹ.

Wakame (わかめ)

Wakame là loại rong biển khác tương tự như kombu, nhưng mềm và ngon hơn nhiều. Nó mọc nhiều ở các vùng ven biển của Nhật Bản, cực kỳ giàu vitamin A, C, D, E, K và B2, các khoáng chất như iốt, canxi, sắt, phốt pho, kali, natri , kẽm, magiê; chứa nhiều chất chống oxy hóa. Ngoài ra, nó chứa nhiều axit folic, được khuyến khích dùng khi mang thai hoặc cho con bú.

Ngoài ra, Wakame rất tốt cho những người có hàm lượng cholesterol cao trong máu. Bởi nó giàu fucoxanthin giúp kích thích gan tăng sản xuất DHA, làm giảm cholesterol LDL (cholesterol xấu). Tác dụng hạ cholesterol của Wakame còn giúp giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư nhạy cảm với estrogen.

Canh miso rong biển wakame. Ảnh: Fytte
Canh miso rong biển wakame. Ảnh: Fytte

Giống như các loại rong biển khác, wakame chứa ít calo, phù hợp với tất cả mọi người, kể cả người béo phì, muốn giảm cân. Nó còn cực kỳ giàu iốt – một trong những thành phần thiết yếu làm cân bằng nội tiết tố trong cơ thể; tạo ra hormone tuyến giáp và axit béo omega-3. Wakame còn giúp giảm lo âu và chống trầm cảm.

Cách ăn Wakame:

Bạn có thể cho Wakame vào mọi món ăn yêu thích.

  • Súp miso và các loại canh, súp
  • Salad
  • Các món spaghetti sử dụng nước sốt Nhật như tarako (trứng cá tuyết) hoặc nước tương

4/ Hijiki (ひじき)

Hijiki là loại rong biển phổ biến thường được bán dưới dạng khô (trông giống như trà đen khô) trong các siêu thị. Nó không đắt, dễ chế biến và chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe.

Hijiki giàu khoáng chất thiết yếu như magiê, canxi, sắt và là nguồn chất xơ lành mạnh, hỗ trợ tiêu hóa. Nhiều người Nhật cho rằng, thường xuyên dùng Hijiki sẽ có mái tóc dày, đen bóng.

Rắc hijiki lên salad. Ảnh: Foodie
Rắc Hijiki lên salad. Ảnh: Foodie

Cách ăn Hijiki:

  • Thêm vào món salad hoặc món xào.
  • Thêm Hijiki vào gạo sau khi vo sạch, nấu cùng cơm.
  • Đun sôi cùng với đậu, cà rốt và các loại rau khác để làm món salad.

5/ Mozuku (もずく)

Mozuku là loại rong biển màu nâu, đa phần có tại quần đảo Okinawa. Gần 100% sản lượng mozuku trên thế giới được sản xuất tại Okinawa, nơi được biết đến có tuổi thọ trung bình cao nhất. Mozuku được người dân nơi đây đem vào thực đơn hàng ngày. Mặc dù chủ yếu được sản xuất tại Okinawa, bạn có thể dễ dàng tìm thấy nó tại bất kỳ siêu thị nào trên khắp Nhật Bản. Các hãng thường đóng gói Mozuku trong các hộp nhỏ có sẵn nước sốt giấm.

Mozuku ít calo, nhiều khoáng chất và chứa một loại polysaccharide đặc biệt gọi là fucoidan – có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa và tăng cường miễn dịch, được ứng dụng điều trị nhiều bệnh, trong đó có ung thư.

Mozuku trộn giấm. Ảnh: mizkan
Mozuku trộn giấm. Ảnh: mizkan

Mozuku cũng chứa nhiều chất xơ tốt cho đường ruột. Nó còn giúp hạ thấp lượng đường trong máu trong khi vẫn giữ cho các vi khuẩn đường ruột có lợi hoạt động tối ưu. Ngoài ra, Mozuku chứa nhiều vitamin K – loại vitamin thiết yếu điều hòa lưu thông máu và giảm nguy cơ đông máu…

Cách ăn Mozuku:

  • Mozuku trộn giấm
  • Salad Mozuku: trộn 100g mozuku với 1 quả dưa chuột (một quả nguyên) và các loại rau củ khác theo sở thích.
  • Trộn Mozuku với natto

6/ Aonori (青のり)

Aonori, mặc dù được viết và phát âm rất giống với nori, thực ra là một loài tảo biển khác với nori thông thường. Ở Nhật Bản, Aonori thường được dùng làm gia vị dạng bột cho nhiều món ăn (như Takoyaki, okonomiyaki), hoặc rắc vào súp miso như aonori jiru.

Rắc aonori lên mọi món ăn giúp tăng hương vị và dinh dưỡng. Ảnh: shikoku-nori
Rắc aonori lên mọi món ăn giúp tăng hương vị và dinh dưỡng. Ảnh: shikoku-nori

Aonori giàu vitamin như A, C, E, K và vitamin nhóm B như B1, B2, Niacinamide, B6, B12 và folate. Nó cũng nhiều khoáng chất như canxi, natri, kali, magiê, phốt pho, sắt, mangan, kẽm, đồng, selen, crom và molypden. Đồng thời là nguồn dồi dào các chất chống oxy hóa, giúp kiểm soát cholesterol, tốt cho làn da, hệ tiêu hóa, giúp mái tóc chắc khỏe.

Cách ăn Aonori:

  • Rắc lên mọi món ăn, kể cả súp, trứng ốp la…
  • Phủ một lớp Aonori lên cơm, bánh mì nướng, khoai tây chiên

    Hãy thưởng thức các loại rong biển Nhật Bản theo cách của bạn nhé!

    Scroll to Top