Bước chân tới Nhật Bản sinh sống và làm việc, hầu hết chúng ta sẽ sở hữu ít nhất một tài khoản ngân hàng, để nhận lương, chi tiêu… Theo khảo sát năm 2021 của My Voice Com tại Nhật, 90,2% người dân có từ 2 tài khoản ngân hàng trở lên. Vậy nên có một hay nhiều tài khoản ngân hàng? Cách quản lý chúng như thế nào?
Chuyên gia Kaito Oshima của chuyên trang My Best đã đưa ra những tư vấn hữu ích.
I. Tôi có thể mở nhiều tài khoản trong cùng một ngân hàng không?
Trong những năm gần đây, nhiều ngân hàng Nhật áp dụng quy tắc không cho khách hàng mở nhiều tài khoản tại cùng một ngân hàng.
Ví dụ: Ngân hàng Bưu điện Nhật Bản (Yucho) chỉ cho phép một người mở một tài khoản. Có 3 lý do chính khiến Yucho đưa ra quy tắc này: ngăn ngừa các lỗi thủ tục, giảm chi phí quản lý tài khoản và ngăn ngừa tội phạm.
Thực tế, nếu một người có nhiều tài khoản trùng tên tại cùng một ngân hàng, thường rất dễ mắc sai sót trong quá trình giao dịch. Giả dụ nếu bạn có thể mở một tài khoản mới ở bất cứ nơi nào bạn chuyển đến, bạn sẽ có nhiều tài khoản có cùng tên nhưng có địa chỉ khác nhau, điều này dễ dẫn đến nhầm lẫn trong quá trình làm thủ tục.
Ngoài ra, các ngân hàng cũng phải chịu chi phí quản lý tài khoản. Khi nhiều tài khoản được mở tại cùng một ngân hàng, số lượng tài khoản không được sử dụng tăng lên, làm tăng chi phí quản lý cho các tổ chức này.
Phòng chống tội phạm cũng là lý do chính dẫn đến việc giới hạn một tài khoản cho mỗi người. Tình trạng sử dụng gian lận tài khoản ngân hàng nhằm rửa tiền và các mục đích phi pháp có dấu hiệu gia tăng. Việc có thể mở bao nhiêu tài khoản tùy thích có thể dẫn đến việc mua bán tài khoản nhằm mục đích lừa đảo.
Như vậy, về nguyên tắc, chỉ được mở một tài khoản tại cùng một ngân hàng nhằm tránh sai sót về thủ tục, giảm chi phí quản lý cũng như tránh việc tài khoản ngân hàng bị lợi dụng vào mục đích xấu.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp ngoại lệ. Ngân hàng Mizuho cho phép bạn mở một tài khoản đăng ký trực tuyến và một tài khoản tại chi nhánh.
II. Ưu điểm khi sử dụng nhiều tài khoản ngân hàng
Nếu bạn đang băn khoăn có nên mở nhiều tài khoản hay không, hãy xem các lợi ích khi sở hữu nhiều tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau.
a. Dễ dàng quản lý tiền
Theo chuyên gia, bạn có thể dùng mỗi tài khoản ngân hàng vào các mục đích khác nhau.
Ví dụ, 1 tài khoản chuyên để tiết kiệm, 1 tài khoản để chi tiêu, 1 tài khoản đầu tư sinh lời… Bạn sẽ kiểm soát được các chi tiêu, ngăn ngừa lạm chi và tiết kiệm được nhiều hơn chỉ dùng 1 tài khoản ngân hàng để quán xuyến tất cả việc chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư.
b. Phòng tránh rủi ro tài chính
Một lợi ích khác của việc có nhiều tài khoản là bạn có thể giảm rủi ro nếu ngân hàng bị sự cố hệ thống hoặc phá sản.
Chuyên gia My Best cho rằng, nếu bạn có tài sản vượt quá 10 triệu yên, việc mở nhiều tài khoản giống như một biện pháp phòng ngừa rủi ro.
Thực tế nếu một tổ chức tài chính phá sản, hệ thống bảo hiểm tiền gửi sẽ bảo vệ tiền gửi của bạn đến một số tiền nhất định. Tuy nhiên, tiền gửi thông thường và tiền gửi có kỳ hạn chỉ được đảm bảo tối đa 10 triệu yên cộng với lãi suất. Phần vượt quá 10 triệu yên có được thanh toán hay không tùy thuộc vào tình hình tài chính của ngân hàng phá sản. Nếu bạn có hơn 10 triệu yên gửi vào một tài khoản, bạn nên chia tài sản của mình thành nhiều tài khoản ngân hàng để “phân tán rủi ro”.
c. Nhận ưu đãi từ nhiều ngân hàng
Khi sử dụng nhiều tài khoản ngân hàng, bạn có thể nhận được nhiều ưu đãi, tùy thuộc vào ngân hàng. Ví dụ, tăng nhân điểm trên thẻ điểm liên kết, phiếu quà tặng…
III. Nhược điểm khi có nhiều tài khoản ngân hàng
Tuy vậy, sở hữu nhiều tài khoản ngân hàng cùng lúc cũng có không ít nhược điểm.
a. Mất phí chuyển tiền giữa các tài khoản
Khi bạn chuyển tiền giữa các tài khoản bằng Internet Banking liên ngân hàng, thường sẽ mất phí chuyển khoản. Mặc dù chi phí khoảng vài trăm yên/lần chuyển, nhưng cộng nhiều lần sẽ thành một mức tiền tương đối.
Ví dụ: phí chuyển tiền từ ngân hàng Sumitomo Mitsui sang ngân hàng khác bằng Internet Banking là 165 yên/lần. Nếu chuyển từ 30,000 yên trở lên thì sẽ mất 330 yên/lần.
Mỗi ngân hàng sẽ có bảng phí khác nhau. Bạn nên kiểm tra trước khi mở tài khoản.
b. Khó khăn quản lý nhiều tài khoản
Nếu có quá nhiều tài khoản, sẽ mất nhiều thời gian quản lý. Đặc biệt là ID và mật khẩu của từng tài khoản.
IV. Chuyên gia khuyên cách quản lý nhiều tài khoản ngân hàng
1/ Nên có 3 tài khoản
Chuyên gia Kaito Oshima khuyên nên có 3 tài khoản ngân hàng, dùng cho 3 mục đích chính.
- Tài khoản trả chi phí sinh hoạt: dùng để thanh toán tiền thuê nhà, mua sắm hàng ngày, các tiện ích… Bằng cách tổng hợp các mục liên quan đến thanh toán vào một thẻ, bạn sẽ không phải lo lắng về việc quên thanh toán hoặc đóng phí nào đó.
- Tài khoản tiết kiệm: dùng để tiết kiệm tiền. Bạn có thể chọn hình thức tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn – có lãi suất cao hơn tiền gửi thông thường.
- Tài khoản khẩn cấp: chuẩn bị cho những chi phí phát sinh đột xuất như thất nghiệp, bệnh tật, thiên tai… Mức tiền cho tài khoản này ít nhất đủ trang trải phí sinh hoạt trong 3-6 tháng. Mức lý tưởng là đủ phí sinh hoạt từ 6 tháng đến 1 năm.
Lý do tách tài khoản tiết kiệm và tài khoản khẩn cấp là để đảm bảo bạn không sử dụng số tiền trong tài khoản tiết kiệm cho đến khi đạt được mục tiêu tài chính (ví dụ bạn đặt mục tiêu tiết kiệm 200 man).
2/ Hủy các tài khoản không sử dụng.
Nên hủy các tài khoản không sử dụng vì phải chịu phí quản lý hàng tháng, hàng năm. Ví dụ, ngân hàng Mitsubishi UFJ Yasona Bank có phí hàng năm là 1,320 yên (đã bao gồm thuế).
Hi vọng những chia sẻ này sẽ giúp bạn quản lý tài khoản ngân hàng của mình thật hiệu quả nhé!