Cách vượt qua trầm cảm sau sinh tại Nhật

Lựa chọn sinh con tại Nhật, nhiều chị em vừa vất vả chăm con, vừa vật lộn với chứng trầm cảm sau sinh. Trong 10 tháng đầu đời của con trai, Hoài Phương đã khóc nhiều hơn cả 5 năm trước cộng lại.

Trên thế giới, chứng trầm cảm sau sinh (PPD) được ghi nhận là xảy ra ở hơn 10% các bà mẹ và cũng có thể ảnh hưởng đến cả các ông bố. Tuy nhiên, xã hội còn nhiều định kiến về chứng bệnh này. Nhiều người nghĩ: người mắc trầm cảm sau sinh nghĩa là bị rối loạn sức khỏe tâm thần, “có vấn đề về tâm thần”. Điều này khiến nhiều mẹ bỉm sữa càng stress hơn, ngại chia sẻ và không muốn tìm kiếm sự giúp đỡ.

Nhiều mẹ Việt ở Nhật cũng có những câu chuyện tương tự. Chọn sinh con ở Nhật, dù có hoặc không có người thân sang hỗ trợ chăm bé, nhiều chị em vẫn rơi vào trạng thái trầm cảm sau sinh.

Hoài Phương, 28 tuổi, đang sống ở Kanagawa. Nhớ lại những ngày tháng vật lộn với chứng trầm cảm sau sinh, cô chia sẻ, “Nỗi buồn cứ đè nặng mà em không thể thoát ra được. Nhiều lúc em khóc nửa tiếng, một tiếng. Thậm chí còn nghĩ tới những hành động bế tắc”.

Trầm cảm sau sinh khiến các mẹ quẩn quanh các cảm xúc tiêu cực. Ảnh: kosodate
Trầm cảm sau sinh khiến các mẹ quẩn quanh các cảm xúc tiêu cực. Ảnh: kosodate

Phương bị stress ngay khi phải mổ lấy thai khẩn cấp. Con trai chào đời 3kg, bé hơi vàng da nên phải nằm trong phòng chiếu đèn. Nằm trên giường bệnh viện, cô liên tục khóc, cảm giác tội lỗi vì khiến con không được khỏe mạnh bình thường.

“Mỗi ngày em thức dậy và cảm thấy mình thất bại trong vai trò làm mẹ. Thất bại trong vai trò làm vợ. Điều đó hoàn toàn khác xa với tính cách của em trước khi sinh con”, cô nói.

Vốn là người cởi mở và hòa đồng, nhưng cô đã vô cùng thất vọng về bản thân và thấy mình bị mắc kẹt trong những điều tiêu cực. “Kể cả sau khi xuất viện, con đã khỏe trở lại, em vẫn tiếp tục dằn vặt và cảm thấy mình là bà mẹ tồi tệ”.

Vì sao nhiều phụ nữ mắc trầm cảm sau sinh?

Nhiều phụ nữ chìm trong “nỗi buồn”, “khóc lóc” từ những ngày đầu sau sinh. Nguyên nhân do các thay đổi hormone và các yếu tố như thể chất, căng thẳng thường gặp khi bước vào giai đoạn làm mẹ. Tình trạng thiếu ngủ do phải chăm sóc con và khi đột ngột được giao trách nhiệm nuôi dưỡng một sinh mạng có thể gây ra cảm giác tội lỗi, buồn bã, thiếu năng lượng, mệt mỏi…

Những điều này dẫn tới ý nghĩ tiêu cực như tự làm hại bản thân, tự tử, làm tổn thương em bé hoặc bạn đời.

Một mình chăm sóc con nhỏ có thể khiến chị em mắc trầm cảm sau sinh. Ảnh: manababy
Một mình chăm sóc con nhỏ có thể khiến chị em mắc trầm cảm sau sinh. Ảnh: manababy

Theo chuyên gia, chứng trầm cảm sau sinh (PPD) là một căn bệnh có nhiều phương pháp điều trị. Trong khi đó, nhiều người vẫn cho rằng trầm cảm sau sinh chỉ là chuyện thường tình và sẽ tự qua. Nhiều người còn khuyên người mẹ: “Hãy cảm thấy bạn may mắn như thế nào khi có một đứa con, bạn sẽ vượt qua được thôi”. Lời khuyên này không đánh giá đúng về trầm cảm sau sinh.

Thực tế, nếu không có sự can thiệp, hỗ trợ chuyên nghiệp từ bác sĩ hoặc chuyên viên tâm lý, nhiều bà mẹ tiếp tục đối mặt với các triệu chứng trầm cảm ngày càng trầm trọng hơn.

Hãy can đảm tìm kiếm sự giúp đỡ!

Sau khi tự mình chịu đựng các triệu chứng trầm cảm và tự vỗ về “chắc con lớn hơn sẽ tự hết”, Phương nhận ra mọi thứ không hề cải thiện. Cô đến Trung tâm Bà mẹ và Trẻ em tại Shiyakusho để được giúp đỡ.

Hai lời khuyên quan trọng nhất mà cô nhận được đó là:

Lời khuyên 1: Dành thời gian cho bản thân mỗi ngày

Hầu hết các bà mẹ bỉm sữa dành phần lớn thời gian để chăm con nhỏ, chưa kể còn ôm đồm việc nhà… khiến bản thân họ không có thời gian nghỉ ngơi.

Thư giãn ngoài trời sẽ giúp bạn có tâm trạng tốt hơn. Ảnh: Monet
Thư giãn ngoài trời sẽ giúp bạn có tâm trạng tốt hơn. Ảnh: Monet

Hãy để chồng chia sẻ việc nhà. Bạn có thể cùng bé ra ngoài tận hưởng không khí trong lành, tới các cửa hàng mua sắm đồ yêu thích, ngồi quán cà phê ngắm phố phường… Ngoài ra, chăm chút lại cơ thể, dưỡng da, trang điểm. “Khi mình tự yêu bản thân hơn, tự dưng thấy vui hơn mỗi ngày”, Phương nói.

Lời khuyên 2: Cởi mở lòng mình với người khác

Thay vì ôm những cảm giác muộn phiền trong lòng, bạn hãy chia sẻ suy nghĩ với người khác. Có thể là cha mẹ, anh chị em, hoặc bạn bè…

“Trước kia em xấu hổ khi kể về những lo lắng của mình với một ai đó. Nhưng sau khi mở lòng, em nhận ra mỗi người đều phải đối mặt với những khó khăn khác nhau. Nếu có thể cởi mở nói ra, sẽ nhận được sự an ủi. Lòng mình cũng cảm thấy nhẹ nhõm hơn”, Phương cho biết.

Nhận sự trợ giúp cho chứng trầm cảm sau sinh ở Nhật Bản

Bên cạnh đó, nếu bạn đang gặp phải các dấu hiệu của chứng trầm cảm sau sinh, có thể liên lạc tới các tổ chức sau đây để nhận được sự hỗ trợ:

TELL: cung cấp dịch vụ tư vấn cho cộng đồng người nước ngoài tại Nhật Bản, nhất là về sức khỏe tâm thần. Có đường dây nóng miễn phí qua điện thoại.

International Mental Health Professionals Japan (IMHPJ): đơn vị này sẽ giúp bạn liên hệ với các chuyên gia tâm lý (bao gồm cả những chuyên gia nói tiếng Anh).

Nhóm các bà mẹ Tokyo: hỗ trợ và liên lạc bằng tiếng Anh dành cho các bà mẹ ở Tokyo.

Chúc bạn luôn mạnh khỏe và bình an!

Scroll to Top