Tiền đầu vào khi thuê nhà: lưu ý tránh mất tiền oan

Khi thuê nhà ở Việt Nam, chỉ trả tiền phí thuê mỗi tháng, còn khi thuê nhà tại Nhật, bạn mất thêm một khoản tiền đầu vào khá lớn.

Chị Kiều Duyên, 25 tuổi, hiện là du học sinh đang sống tại Kanagawa. Mấy năm trước mới sang, chị lựa chọn sống trong khu ký túc xá liên kết với trường. Thời điểm giữa năm nay, khi có nhu cầu chuyển ra ngoài, chị bắt đầu tìm hiểu về các thủ tục thuê nhà.

“Khó khăn đầu tiên là rào cản ngôn ngữ khi trao đổi trực tiếp với các công ty bất động sản Nhật. Thêm nữa là phần bảo lãnh khi thuê nhà cũng khá phức tạp và chi phí đầu vào cao”, chị Duyên nói.

Tiền đầu vào rẻ là ưu tiên hàng đầu

Thông thường, tuỳ theo yêu cầu của các chủ căn hộ, khoản phí tiền đầu vào sẽ bao gồm tiền lễ (cảm ơn chủ nhà đã cho thuê nhà), tiền phí môi giới trả cho công ty bất động sản, tiền phí bảo lãnh, tiền thay ổ khoá và tiền bảo hiểm cháy nổ.

Trong đó, tiền lễ (reikin) là khoản tiền sẽ trả cho chủ nhà khi chuyển vào, thường tương đương với 1 tháng tiền nhà và sẽ không được trả lại. Ở một số vùng còn có tên gọi khác là “shikihiki”, là một phần của khoản tiền đặt cọc (shikikin).

Tiền đặt cọc cũng thường là 1 tháng tiền nhà. Khi bạn trả nhà, sẽ dùng để chi trả phí sửa chữa và tu bổ nhà nếu bạn làm bẩn, làm hỏng nhà. Sau cấn trừ các chi phí, bạn sẽ được nhận lại phần còn lại.

Về tiền phí môi giới trả cho công ty bất động sản, thường tương đương 1 tháng tiền nhà.

Với phí bảo lãnh, bạn chi trả trong trường hợp cần công ty bảo lãnh cho bạn. Nếu bạn đóng tiền thuê nhà muộn thì chủ nhà hoặc công ty quản lý bất động sản sẽ liên lạc với người bảo lãnh hoặc công ty bảo lãnh nhà để yêu cầu trả tiền thuê nhà.

Tiền thay ổ khoá mới khi nhận nhà khoảng 10,000~30,000 yên. Ngoài ra, bạn trả 15,000~22,000 yên cho bảo hiểm cháy nổ với hợp đồng thuê nhà 2 năm.

Cộng lại tất cả các khoản trên, số tiền phải bỏ ra để vào nhà mới thường gấp 3-5 lần tiền thuê hàng tháng. Tuy nhiên, trong số các mục trên, cũng có mục không cần phải trả tùy theo văn phòng bất động sản và căn nhà đó.

Duyên muốn tìm những căn đầu vào rẻ và tiền hàng tháng phù hợp với ngân sách. Đó cũng là tiêu chí quan trọng hàng đầu của rất nhiều du học sinh và người lao động nước ngoài khi tìm nhà ở Nhật Bản. Sau 1 tháng tìm nhà, Duyên vừa ký hợp đồng thuê căn hộ Apato, một dạng nhà tập thể cỡ vừa và nhỏ, thường cao từ 2 đến 4 tầng, chủ yếu là nhà gỗ hoặc thép nhựa, tường thạch cao.

Tiền đầu vào rẻ bất ngờ chưa chắc là phương án tối ưu. Ảnh: Homes

Cảnh giác với tiền đầu vào rẻ bất ngờ

Anh Hoàng Đức, 30 tuổi, một kỹ sư đang sống tại Aichi đã có kinh nghiệm thuê nhà hơn 7 năm. Gia đình anh có 2 con nhỏ, nên tiêu chí lựa chọn một căn hộ cần nhiều tiện ích như gần ga, gần trường học để tiện đưa đón 2 bé tới trường, gần công viên, siêu thị, đồng thời giá thuê hợp lý.

“Các căn hộ như thế thường giá thuê khá cao so với mặt bằng chung, nên mình đã từng mắc sai lầm khi chọn 1 căn hộ giá rẻ bất ngờ. Của rẻ thực là của ôi”, anh Đức nhớ lại. Căn hộ này có tiền đầu vào rất rẻ, chỉ 2 man, nên anh không chần chừ chuyển tới sống. Được vài tháng, công ty thi thoảng lại kiểm tra nhà bất ngờ, anh phải chịu những khoản phạt “trên trời rơi xuống”, từ 2-3 man lên tới 5-6 man.

“Khi không thể chịu được nữa, báo trả nhà, thì họ tìm hết lỗi nọ đến lỗi kia để bắt phạt”, anh ấm ức.

Đây là một trong những lý do khiến kiểu nhà có tiền đầu vào thấp bất ngờ được nhiều người truyền tai là kiểu nhà “dễ vào, khó ra”.

Anh Đức cho biết, sau gần chục lần chuyển nhà, giờ đây anh đã có nhiều kinh nghiệm để chia sẻ cho bạn bè, người quen đang tìm nhà. Ví dụ nhờ anh chị khoá trên, thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp hỗ trợ thuê nhà. Họ có thể thông thạo tiếng Nhật hơn, đã ở lâu bên này sẽ hiểu phong cách làm việc của công ty môi giới, giúp bạn thoả thuận hợp đồng và tiền đầu vào hợp lý.

“Có lần mình giúp người bạn cùng đàm phán hồi lâu, thì đã được miễn phí đầu vào”, anh nói.

Scroll to Top