Theo tờ Japan Today, từ sau Thế chiến II, nền chính trị Nhật Bản được đánh giá khá ổn định. Suốt 69 năm qua, trừ 4 năm, Đảng Dân chủ Tự do (LDP) đã nắm quyền kiểm soát. Tuy nhiên, cú sốc lớn đã xảy ra trong đợt bầu cử Hạ viện diễn ra vào ngày 27/10/2024 vừa qua. Liên minh cầm quyền của LDP và Đảng Công Minh đã mất thế đa số tại Hạ viện.
Điều này có khả năng buộc Thủ tướng Shigeru Ishiba phải thành lập một Chính phủ mới theo cách mở rộng liên minh cầm quyền. Theo đó, liên minh cầm quyền hiện tại có thể sẽ liên kết với các đảng khác và các nhóm nghị sỹ không đảng phái. Qua đó đạt được đa số ghế để thành lập một Chính phủ liên minh.
Nguồn tin của Japan Today cho rằng, các chuyên gia kinh tế và nhiều doanh nghiệp lo ngại viễn cảnh: để có được sự ủng hộ từ các đảng khác, Thủ tướng Ishiba sẽ phải đưa ra các quyết sách nhượng bộ. Ví dụ như sẽ đề xuất cắt giảm thuế và tăng chi tiêu; chậm tiến hành các cải cách cần thiết nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của Nhật Bản với các nền kinh tế hàng đầu.
Theo chuyên gia Marcel Thieliant (Capital Economics), kể từ năm 2021 đến nay, “đất nước đã có ba Thủ tướng và ông Ishiba có lẽ cũng sẽ không tại vị được lâu”. Và “điều đó có nghĩa là các dự thảo cải cách toàn diện khó có thể xảy ra”, vị chuyên gia nhận định – những thay đổi vốn đã “rất ít và cách xa nhau” trong thập kỷ qua.
Chuyên gia Syetarn Hansakul (Economist Intelligence Unit) cũng dự báo: “kế hoạch cải cách (của Đảng LDP) sẽ bị ‘làm loãng’, bởi kế hoạch tăng ngân sách cho quốc phòng và phúc lợi xã hội”. Bên cạnh đó, tâm lý người dân và doanh nghiệp bị “giảm niềm tin” và “sự phục hồi nhu cầu trong nước có thể bị ảnh hưởng”.
Trước đó, Thủ tướng Ishiba đã hứa sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho các hộ gia đình, đẩy nhanh tốc độ tăng lương và giúp phục hồi các vùng nông thôn. Nhưng một số đảng đối lập lại muốn nhiều hơn thế.
Điển hình, Đảng Dân chủ vì Nhân dân (DPP), một đảng có tiềm năng trở thành vị trí gây ảnh hưởng, muốn trợ cấp năng lượng cho người tiêu dùng và giảm thuế cho những người làm việc bán thời gian.
Những điều này đều hướng đến mục tiêu chung là giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trong bối cảnh dân số già hóa nghiêm trọng, nhưng cũng đặt ra nguy cơ sẽ làm giảm nguồn thu thuế của Chính phủ. Trong khi chi phí an sinh xã hội và ngân sách khác liên tiếp tăng. Khiến nợ công của Nhật Bản tăng cao kỷ lục hàng đầu thế giới. Hiện Nhật Bản là nước có tỷ lệ nợ công cao nhất trong số các nền kinh tế phát triển, với tỷ lệ nợ công trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này khoảng 250%.
Giới truyền thông Nhật Bản cho rằng Thủ tướng Ishiba sẽ ban hành chính sách kinh tế mới vào tháng 11 tới và có kế hoạch tiếp nhận một số đề xuất từ Đảng DPP.
Chuyên gia Shigeto Nagai (Oxford Economics) nhận định: “Lập trường của ông Ishiba dường như nghiêng về siết chặt tài chính, nhưng ông ấy có thể sẽ tiếp tục thỏa hiệp và kiềm chế không thảo luận về các biện pháp tăng nguồn thu cho ngân sách, dù điều này vô cùng quan trọng trong dài hạn”.
Trong khi đó, Liên đoàn các Doanh nghiệp Nhật Bản (Keidanren 経団連) kêu gọi các Đảng vượt qua bất đồng và cùng đưa ra các đối sách tập trung phát triển kinh tế cho đất nước. Theo lãnh đạo của Keidanren, Nhật Bản không thể trì hoãn việc giải quyết những vấn đề này, nhưng “tất cả các bên nên đối mặt với thực tế, tham gia các cuộc thảo luận và tiến hành các chính sách cần thiết vì mục tiêu chung của quốc gia”.
Tờ Japan Today phân tích một sự bất ổn khác là Ngân hàng Nhật Bản (BOJ). Trong năm 2024, BOJ thận trọng chuyển hướng khỏi chính sách nới lỏng tiền tệ và hướng tới liên kết chặt chẽ hơn với các ngân hàng trung ương khác. Ngay khi Thủ tướng Ishiba đắc cử, ông đã công khai ủng hộ tiếp tục chính sách này. Nhưng ngay sau đó, đồng yên có động thái tăng giá và cổ phiếu lao dốc.
BOJ dự kiến giữ nguyên lãi suất vay tại cuộc họp thường kỳ vào ngày 31/10. Nhưng hầu hết các nhà kinh tế đều kỳ vọng BOJ sẽ có động thái tăng lãi suất tiếp theo trong khoảng tháng 12 tới đây. Trong khi đó, người ủng hộ các phe đối lập muốn tạm dừng để tránh lãi suất tăng cao cho người tiêu dùng và doanh nghiệp, dù điều này đồng nghĩa với đồng yên sẽ yếu hơn và giá nhập khẩu tăng cao hơn nữa. Lãi suất tăng cao hơn cũng sẽ khiến việc trả các khoản nợ nước ngoài khổng lồ của Nhật Bản trở nên đắt đỏ hơn.
Chuyên gia Shigeto Nagai đánh giá: “Vì muốn giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Thượng viện vào năm tới, chính quyền ông Ishiba có thể sẽ thận trọng hơn về tốc độ tăng lãi suất”.
Còn chuyên gia Masamichi Adachi (UBS) vẫn kỳ vọng lãi suất sẽ tăng vào tháng 12. “Đúng là nếu thị trường tài chính vẫn biến động thì BOJ khó có thể tăng lãi suất. Nhưng tôi cho rằng bất ổn chính trị sẽ lắng xuống khi Chính phủ mới được thành lập, ít nhất là trong thời điểm hiện tại”.