Theo hãng thông tấn Kyodo, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản đang cân nhắc đưa trí tuệ nhân tạo (AI) vào quá trình dự báo thời tiết. Trong đó, ứng dụng công nghệ Học sâu (Deeping Learning). Hiện cơ quan này đang chuẩn bị các bước và thành lập một nhóm chuyên gia hồi tháng 4. Bên cạnh đó, đầu tư cơ sở hạ tầng và công nghệ phù hợp.
Công nghệ Học sâu sẽ phân tích lượng dữ liệu khổng lồ trong hệ thống dữ liệu quan sát và siêu máy tính nhằm mô phỏng các điều kiện khí quyển trong tương lai. Ngoài ra, nó giúp xác định các mô hình thời tiết để đưa ra dự báo về nhiệt độ và lượng mưa, cùng nhiều dự đoán khác. Cùng với các mô hình dự báo số hiện đang được sử dụng, việc kết hợp AI được kỳ vọng sẽ giúp dự báo thời tiết nhanh chóng và chuẩn xác hơn nữa. Đặc biệt là dự đoán đường đi của bão/siêu bão.
Dựa trên kết quả của AI, các nhà dự báo giàu kinh nghiệm sẽ phân tích kết quả, kết hợp với các tình huống thực tế để đưa ra dự báo thời tiết và cảnh báo thảm họa.
Cơ quan Khí tượng Nhật Bản sẽ công bố các biện pháp nâng cao chức năng dữ liệu bằng AI và các công nghệ khác vào khoảng tháng 6 tới.
Thực tế, hiện AI đã được sử dụng để tinh chỉnh các kết quả dự báo thời tiết, các chuyên gia vẫn đóng vai trò giám sát và đưa ra kết luận dự báo thời tiết cuối cùng.
Ngoài dự báo thời tiết, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản đang tìm hiểu cách sử dụng công nghệ Học sâu để xử lý dữ liệu quan sát từ vệ tinh thời tiết Himawari-10, dự kiến sẽ bắt đầu triển khai vào năm tài chính 2029.