Theo Reuters, dữ liệu công bố hôm nay (18/8) cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi (CPI) trong tháng 6, không bao gồm chi phí thực phẩm tươi sống biến động, đã tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số này khá tương đồng với dự báo của thị trường. Tuy mức tăng này thấp hơn mức 3,7% trong tháng 5, chủ yếu do Chính phủ Nhật Bản tiếp tục trợ cấp ghìm giá xăng dầu, nhưng vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) trong tháng thứ 39 liên tiếp.
Bên cạnh đó, giá thực phẩm trong tháng 6, không bao gồm thực phẩm tươi sống dễ biến động như rau, đã tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái, còn tăng nhanh hơn mức tăng 7,7% của tháng 5. Giá gạo tăng gần gấp đôi so với năm trước, khiến giá cơm nắm onigiri tăng 19%. Những chỉ số này cho thấy áp lực chi phí sinh hoạt ngày càng tăng đang đè nặng lên các hộ gia đình.
Đây cũng là thách thức của BOJ đang phải đối mặt, làm sao để cân bằng áp lực lạm phát gia tăng và rủi ro đối với nền kinh tế, vốn ngày càng khó khăn do đòn thuế quan của Mỹ. Hiện BOJ bỏ ngỏ về thời điểm sớm nhất có thể tiếp tục tăng lãi suất.
Ông Abhijit Surya, chuyên gia kinh tế cấp cao khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tại Capital Economics, nhận định, căng thẳng thương mại đang bao trùm nền kinh tế Nhật khiến BOJ sẽ tiếp tục giữ nguyên chính sách tiền tệ lâu hơn dự kiến.
Hiện BOJ sẽ tổ chức cuộc họp chính sách tiếp theo vào ngày 30-31/7. Đây có thể là dịp để cơ quan này điều chỉnh lại dự báo lạm phát trong đợt đánh giá hàng quý.
Năm ngoái, BOJ đã kết thúc chương trình kích thích kinh tế kéo dài một thập kỷ. Hồi tháng 1/2025, BOJ tăng lãi suất ngắn hạn lên 0,5% và lạc quan rằng Nhật Bản đang trên đà đạt được mục tiêu lạm phát 2% một cách bền vững. Trong khi ngân hàng trung ương có nhiều tín hiệu cho chu kỳ tăng lãi suất, thì nước Mỹ đánh đòn thuế đối ứng cao kỷ lục lên Nhật Bản. BOJ buộc phải cắt giảm dự báo tăng trưởng hồi tháng 5 và các quyết định về thời điểm tăng lãi suất tiếp theo vẫn chưa được quyết định.
Báo cáo cho thấy nền kinh tế Nhật Bản suy giảm trong quý đầu tiên của năm 2025 do chi phí sinh hoạt tăng cao ảnh hưởng đến tiêu dùng trong nước. Xuất khẩu giảm trong tháng 5 – lần đầu tiên sau tám tháng, làm dấy lên lo ngại suy thoái ngày càng đến gần với Nhật Bản.
Theo khảo sát của Reuters hồi tháng 6/2025, phần lớn các chuyên gia kinh tế dự đoán BOJ sẽ không tăng lãi suất thêm trong năm nay.