Chướng ngại vật 1: Chuyển visa
Chị Mai Hoa mới được nhận vào vị trí nhân viên hành chính nhân sự tại một công ty cung cấp thực phẩm. Sang tỉnh Saitama Nhật Bản đã gần 4 năm theo visa gia đình, đây là lần đầu tiên chị Hoa đảm nhiệm công việc toàn thời gian. Chị cho biết, trước khi tìm công việc fulltime, chị đã tìm hiểu về tư cách lưu trú.
Thực tế, một bộ phận người Việt đang ở Nhật với visa không bị giới hạn giờ làm, ví dụ visa vợ của người có visa vĩnh trú 永住者の配偶者, vợ người Nhật日本人の配偶者等 , thì có thể làm fulltime trong bất cứ ngành nghề nào, không quan trọng chuyên ngành, bằng cấp. Còn với các trường hợp phụ thuộc theo visa của chồng(家族滞在) giống như chị Hoa, chỉ được làm thêm 28h/tuần, nếu muốn đi làm fulltime (40h/tuần), trước hết cần tìm được công việc phù hợp với bằng cấp đã học để chuyển được sang visa lao động. Điều kiện để chuyển sang visa lao động gồm tốt nghiệp cao đẳng/đại học ở Việt Nam/Nhật và công việc sẽ làm phù hợp với chuyên ngành được đào tạo ở cao đẳng/đại học.
“Tôi tốt nghiệp Đại học ở Việt Nam. Từ một năm trước, tôi bắt đầu ôn thêm tiếng Nhật một cách bài bản, thi đỗ N2 và trau dồi kiến thức chuyên môn. Sự chuẩn bị này giúp tôi tìm được công việc như ý nguyện và chuyển visa thuận lợi”, chị nói.
Chướng ngại vật 2: Con vừa đi học, liên tục ốm – Mẹ mới đi làm, khó khăn chồng chất
Theo chị Hoa, 3 tháng đầu khi chị bắt đầu công việc fulltime và đồng thời bé đi nhà trẻ là giai đoạn vô cùng khó khăn. Thông thường các bé dưới 3 tuổi mới đi nhà trẻ rất dễ bị ốm, sốt, mắc các bệnh tai mũi họng, cảm cúm…
“Ở Việt Nam, nếu con bị sốt không quá cao, các cô giáo có thể chườm và cho bé uống hạ sốt, đợi mẹ tan làm sẽ đón bé. Nhưng tại Nhật, thường con sốt 37,5-38 độ là các cô sẽ gọi điện thoại cho mẹ đón con về. Một vài lần tôi phải xin công ty cho về giữa buổi để đón con. Rồi con mới đi học dễ bị lây bệnh từ bạn, hôm thì sổ mũi, hôm lại ho khù khụ, phải nghỉ học, thì hai vợ chồng tôi lại thay nhau xin nghỉ chăm con”, chị Hoa nhớ lại.

Đây cũng là tình cảnh chung của rất nhiều chị em bên Nhật. Khi bạn mới bắt đầu công việc, còn chưa thành thạo các nhiệm vụ chuyên môn tại công ty, việc xin nghỉ nửa buổi hoặc nghỉ đột xuất có thể khiến doanh nghiệp đánh giá không tốt với cá nhân bạn. Tuy nhiên, không nên quá lo lắng, vì hiện nay rất nhiều công ty Nhật cũng linh hoạt với các nhân viên có con nhỏ.
“Khi đi phỏng vấn, tôi đã nói rằng tôi có con nhỏ, có thể có trường hợp đột xuất phải nghỉ chăm con, nhưng đó không phải là trở ngại, tôi sẽ luôn cố gắng sắp xếp để đồng thời hoàn thành mọi việc tại công ty. Tôi nghĩ việc trao đổi thẳng thắn từ ban đầu sẽ giúp bản thân và công ty cùng có sự chủ động, thấu hiểu trong những trường hợp bất khả kháng”, chị Hoa chia sẻ.
Tìm các trợ thủ giúp cân bằng công việc và gia đình
Mỗi ngày đều chỉ có 24 tiếng, khi chị em dành 8 tiếng trên văn phòng, chưa kể thời gian di chuyển tới công ty và về nhà mỗi ngày, lại đồng thời phải dành thời gian nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, đưa đón con, dạy con học… Nếu không biết cách sắp xếp, sẽ bị quá tải, thiếu thời gian để nghỉ ngơi và tái tạo năng lượng. Chị Hoa chọn cách tìm các “trợ thủ” giúp sức.
Với việc nhà, chị và chồng thống nhất chia sẻ với nhau. Nếu phụ nữ cứ ôm đồm một mình, vừa mệt mỏi lại khiến các ông chồng ỷ lại. Sự chia sẻ vừa cũng là cách vợ chồng cùng nhau vun vén cho gia đình. Ví dụ chị nấu cơm, anh phơi quần áo, buổi tối cùng chơi với con….

Bên cạnh đó, chị sắm một số thiết bị hiện đại hỗ trợ việc nhà, như robot hút bụi có chức năng lau nhà, máy rửa bát…
Việc đi chợ hàng ngày có thể giảm tải bằng cách sử dụng dịch vụ giao thực phẩm tại nhà 食材宅配 như Co-op deli còn có chế độ giảm giá cho gia đình có con nhỏ, Pal-system (giá đắt hơn nhưng đồ rất tươi ngon, thích hợp để nấu đồ ăn dặm cho bé)…
Thi thoảng công ty phát sinh làm thêm giờ, chị Hoa vẫn yên tâm bởi nhà trẻ của con trai chị có dịch vụ cung cấp bữa tối cho bé khi gia đình đón muộn. Nếu nhà trẻ của con bạn chỉ cho gửi con tới 18 giờ, bạn có thể tìm hiểu dịch vụ hỗ trợ đón bé tại nơi bạn sinh sống. Ngoài ra cũng có rất nhiều dịch vụ của quận hỗ trợ các mẹ khi con ốm sốt hoặc không kịp về đón con.
“Điều quan trọng nhất là tinh thần kiên định, các mẹ hãy lạc quan với cả nhiệm vụ ở công ty và chăm sóc gia đình, khó khăn nào rồi cũng qua”, chị Hoa cười nói.