Số ca ngộ độc thực phẩm cao nhất hàng năm vào tháng 6
Mùa mưa ở Nhật Bản thường bắt đầu vào tháng 6, kéo dài từ Okinawa và phía nam Kyushu đến khu vực Tohoku. Lúc này độ ẩm cao và nhiệt độ tương đối cao, là thời điểm ngộ độc thực phẩm thường xảy ra. Tháng 6 cũng là tháng có số ca mắc ngộ độc thực phẩm cao nhất trong năm.
Ngộ độc thực phẩm chủ yếu là do vi khuẩn, vi-rút và ký sinh trùng gây ra. Theo GS Junko Yamaguchi, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu và Chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Itabashi, vào mùa mưa, các ký sinh trùng như anisakiasis phát triển mạnh. Mặt khác, nhiều trường hợp ngộ độc thực phẩm do vi-rút, như norovirus. Các loại vi khuẩn có thể gây ngộ độc thực phẩm và có xu hướng sinh sôi mạnh từ tháng 6 trở đi, bao gồm Campylobacter, Staphylococcus aureus và Clostridium perfringens.
Vi khuẩn Campylobacter có trong thịt gà sống, các sản phẩm chưa nấu chín, gan bò sống… 50-70% thịt gà nuôi bán trên thị trường bị nhiễm vi khuẩn Campylobacter, bất kể thịt có tươi hay không. Vi khuẩn này có thời gian ủ bệnh từ 1-7 ngày và có thể sống sót ở nhiệt độ dưới 10°C, kể cả thịt gà bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh. Do đó, nếu người dân không nấu chín thịt gà, sẽ có nguy cơ cao bị ngộ độc thực phẩm.

Staphylococcus hay khuẩn tụ cầu có trong nhiều loại thực phẩm, kể cả đã được nấu chín nhưng không được bảo quản đúng cách. Vi khuẩn Clostridium perfringens được tìm thấy trong thực phẩm giàu protein như thịt và hải sản, có thể gây đau bụng, tiêu chảy và buồn nôn. Cả hai loại vi khuẩn này đều hoạt động mạnh hơn vào mùa mưa khi độ ẩm và nhiệt độ cao.
Ngoài ra, vi khuẩn Escherichia coli (E. coli) chủ yếu trong thịt sống gây xuất huyết đường ruột, đau bụng, tiêu chảy lỏng và một số trường hợp nghiêm trọng đi ngoài phân lẫn máu. Vi khuẩn Salmonella có trong thịt sống, gan, trứng… cũng gây ngộ độc thực phẩm khá phổ biến. Đặc biệt, vi khuẩn Clostridium botulinum/ Clostridium perfringens có trong thực phẩm đóng chai, đóng hộp và đóng gói chân không cũng là chủng vi khuẩn nguy hại.
3 nguyên tắc phòng ngừa ngộ độc thực phẩm
Để bảo vệ sức khỏe của gia đình, bạn hãy tuân thủ các nguyên tắc phòng ngừa sau đây:
Nguyên tắc 1: ngăn ngừa vi khuẩn bám vào thực phẩm
- Luôn rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi nấu ăn.
- Nên sử dụng các loại dao và thớt khác nhau cho các loại thực phẩm khác nhau. Ví dụ, thớt dành riêng cho thịt, cá sống.
- Lưu ý khi tái sử dụng các túi đựng thực phẩm. Những túi tái sử dụng này nên được giặt hoặc khử trùng.

Nguyên tắc 2: đun nóng thực phẩm kỹ lưỡng để tiêu diệt vi khuẩn
Các chuyên gia cho biết, nếu thực phẩm và dụng cụ nấu ăn được đun nóng ở nhiệt độ trên 80 độ C trong ít nhất một phút, thì sẽ tiêu diệt được hầu hết các vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm.
Nguyên tắc 3: làm lạnh thực phẩm để ngăn vi khuẩn sinh sôi
Đây là quy tắc bất di bất dịch để bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình bạn. Bạn phải làm lạnh thực phẩm thay vì để ở nhiệt độ phòng.
Ví dụ, bạn định làm hộp cơm bento mang ra ngoài. Cần phải để thức ăn nguội trước khi cho vào hộp. Sau đó bảo quản lạnh. Khi đi ra ngoài, bạn để hộp cơm trong túi giữ nhiệt và thêm đá giữ nhiệt để bảo quản tốt hơn.
Hãy lưu ý tuân thủ các nguyên tắc ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm bạn nhé!