Vợ hay chồng giữ tiền trong nhà?

70% căng thẳng, xung đột vợ chồng liên quan đến vấn đề tài chính. Ai giữ tiền trong nhà là câu hỏi khó với nhiều cặp vợ chồng trẻ.

Từ xưa đến nay, trong suy nghĩ của nhiều người thường mặc định: phụ nữ phải là người quản lý tài chính trong gia đình. Nhưng quan niệm này cũng đang dần thay đổi trong xã hội hiện đại, nhất là khi vị trí xã hội của phụ nữ ngày càng được nâng cao, họ cũng có công việc và thu nhập ổn định.

“Lương chồng cũng là của mình”

Chị Ngọc Bích, 27 tuổi, hiện đang sống cùng chồng và con gái tại Hiroshima, khẳng định chắc nịch rằng: “Tiền lương của chồng là của mình. Mỗi tháng anh lĩnh lương xong đều phải đưa cho mình”, bởi bản thân là người chủ động kế hoạch chi tiêu và tài chính trong nhà. Chị sang Nhật được hơn 2 năm theo visa gia đình, mỗi tuần làm baito khoảng 28 giờ, còn chồng chị là kỹ sư xây dựng.

“Những thứ mua sắm cơ bản như đồ ăn thức uống, tiền điện, nước, mạng Internet… mình sẽ lo chi trả từ quỹ lương của hai vợ chồng. Còn chi tiêu những thứ lớn, đắt đỏ như mua máy giặt mới, thì vợ chồng mình sẽ cùng thảo luận, quyết định. Nhưng mình cầm quỹ chung nên cũng là người thanh toán”, chị nói.

Nhiều gia đình giữ cách truyền thống “vợ làm thủ quỹ”. Ảnh: Enechange

Khi chồng làm “tay hòm chìa khoá”

Khác với chị Bích, chị Ngọc Thuý tại Nagoya không quản lý tài chính gia đình. Chồng chị giữ tiền lương của cả hai.

“Anh ấy kêu em đưa lương để anh quản quỹ, nhưng lại không đứng ra chi tiêu. Mỗi tháng đưa lại 5 man, để em mua sắm đồ ăn cả tháng cho gia đình 4 người và 4 man nữa để trả tiền điện, nước, mạng và các khoản khác. Em chi tiêu sát sao, nhiều khi muốn mua bộ quần áo mới cho con mà cũng phải đắn đo lên xuống. Trong khi chồng em luôn tự hào rằng nhờ anh làm vậy nên quỹ tiết kiệm mới tăng lên. Em cũng chán ngấy cuộc sống ‘đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành’ này nhưng hiện chưa có giải pháp”, chị Thuý bộc bạch.

Trong khi đó, chị Bích Vân, một nhân viên văn phòng tại Tokyo chia sẻ, kể từ ngày cưới đến nay đã hơn 1 năm, chị giao cho chồng giữ quỹ lương. “Em tin tưởng chồng. Sống mà không tin nhau thì không thể lâu bền được. Em thấy quản tiền đau đầu lắm, tháng nào cũng phải lo lắng chi tiền này tiền khác, cân đo đủ thứ. Nên giao hết cho chồng chi tiêu. Nhưng em vẫn giữ một khoản tiết kiệm phòng thân”.

Quản lý tài chính kiểu “thân ai nấy lo”

Một kiểu phân chia tài chính gia đình đang được nhiều vợ chồng trẻ áp dụng, là kiểu “thân ai nấy lo”. Theo đó, mỗi người tự quản lý phần tiền lương của mình và hàng tháng đóng góp vào chi tiêu chung của gia đình.

Đó cũng là cách làm của gia đình chị Thu Trang, hiện đang sống tại Shimane. “Vợ chồng mình visa riêng biệt và tiền ai nấy giữ, mặc dù mỗi người đều biết đối phương có mức lương thế nào”. Hai người không chia đều khoản chi tiêu trong gia đình, mà thống nhất chồng chị trả các khoản gồm tiền thuê nhà, phí điện, nước, mạng Internet, tiền trả góp xe ô tô, trả lãi vay mua đất ở Việt Nam. Trong khi chị sẽ lo chi tiêu ăn uống, học hành cho con, cũng như chi tiêu cá nhân như mỹ phẩm, quần áo…

Chị Trang cho rằng, cách làm không ai quản ai này giúp cả hai đều thấy thoải mái. “Mình nghĩ ai cũng phải có một khoảng trời riêng, hôn nhân mà quản lý nhau chặt quá sẽ rất khó sống. Chưa kể mỗi người sẽ có những khoản tiêu tế nhị, ví dụ biếu bố mẹ hoặc cho anh chị em ruột”.

Nhiều người trẻ chọn cách “tiền ai nấy giữ” và cùng nhau chi tiêu cho gia đình. Ảnh: Jibunbank

Anh Quốc Thuận, 37 tuổi, sống tại Gifu đồng tình, hiện vợ chồng anh đang thực hiện “tiền ai nấy giữ” nhưng phiên bản kiểu biến tấu khác, có thể gọi là “hai túi tiền thông nhau”. Sau khi nhận lương, vợ chồng anh trích thu nhập vào quỹ chung (tỉ lệ có thể thay đổi tuỳ mỗi gia đình), số còn lại mỗi người tự quản, tự chi tiêu theo mục đích cá nhân nhưng phải minh bạch. Ví dụ, vợ có thể kiểm tra số dư trong tài khoản chồng bất cứ lúc nào, biết chồng tiêu vào những việc gì… “Nếu thấy mình tiêu hoang, vợ sẽ nhắc nhở và ngược lại. Mình hiếm khi xem các khoản chi này của vợ. Chủ yếu tin tưởng nhau”, anh nói.

Với quỹ chung, vợ chồng anh Thuận tiếp tục chia ra thành 3 khoản tách biệt, gồm tiền chi tiêu sinh hoạt, tiết kiệm và đầu tư. “Giỏ tiết kiệm là mức cố định mỗi tháng, thông thường nhà mình sẽ chuyển tiền từ tài khoản DCOM gửi về Việt Nam, sau 10 phút tiền sẽ được chuyển thẳng vào ngân hàng Việt Nam, rất nhanh chóng và tiện lợi. Sau đó mình gửi tiết kiệm. Còn tài khoản đầu tư cũng tách biệt với quỹ tiết kiệm, để tránh rủi ro, ảnh hưởng tới gia đình. Trường hợp mất tiền đầu tư thì vẫn đảm bảo quỹ tiết kiệm và quỹ chi tiêu cho sinh hoạt”.

Theo các chuyên gia, thực tế cho thấy, điều cốt lõi trong quản lý tài chính gia đình không phải là vấn đề có bao nhiêu tiền, ai cầm tiền, mà là người nào có khả năng quản lý tài chính, biết phân bổ chi phí hợp lý, thì nên giao cho người ấy. Người xưa ví von “đàn ông là cái giỏ, đàn bà là cái hom”, ý muốn nói phụ nữ là người giữ tiền tốt, nhưng thực tế cũng có phụ nữ giữ tiền không tốt, không biết cách chi tiêu, có những gia đình vợ bài bạc, chồng phải giữ tiền. Ngược lại, một số người chồng ham mê nhậu nhẹt, cờ bạc, thì vợ nên quản tiền. Do đó, không có công thức nào hoàn hảo với tất cả gia đình, mà cần xem ai là người có năng lực quản lý, giúp gia đình ổn định tài chính vững vàng, như người xưa gọi là “khéo co thì ấm”.

Gia đình bạn đang quản lý tài chính thế nào?

Scroll to Top