Nguồn gốc của Osechi
Bạn có bao giờ thắc mắc, vì sao người Nhật lại gọi là Osechi?
Theo quan niêm xưa, “Osechi” dùng để chỉ các món ăn theo mùa, là đồ cúng cho các vị thần trong các nghi thức cung đình vào các dịp quan trọng ở thời Heian. Mặc dù nó không phổ biến với người dân vào thời Heian, nhưng dần lan rộng ra các tầng lớp lao động dưới thời Edo. Cho đến ngày nay, Osechi trở thành món ăn đầu tiên và quan trọng nhất trong ngày đầu năm. Osechi (御節料理 hay お節料理) là từ được dùng phổ biến để chỉ các món ăn trong ngày năm mới.
Người Nhật tin rằng, ngày đầu năm là dịp để chào đón vị thần cai quản mùa màng và ban phước lành. Để báo cáo tình hình mùa màng và bày tỏ lòng biết ơn với thần linh, người dân sẽ dâng lên các sản vật được nuôi trồng tại địa phương. Sự phát triển của xã hội đã đưa Osechi trở thành một bữa tiệc kết hợp các món ngon của núi và biển.
Ngoài ra, các món trong Osechi thường chú trọng để được lâu. Bởi quan niệm tránh gây ồn ào trong bếp, để các vị thần và thần bếp được nghỉ ngơi.
Cách trình bày Osechi
So với các bữa ăn thông thường trong năm, Osechi khác biệt ở cách trình bày cầu kỳ và tỉ mỉ. Các món ăn được đựng vào một tráp sơn mài có nhiều ngăn, gọi là Jubako (重箱). Hộp Jubako truyền thống có hình vuông, với các khay chồng lên nhau. Ngoài ra, còn có Jubako hình tròn, hình bát giác.
Mỗi món ăn xuất hiện trong Osechi đều mang ý nghĩa riêng. Vào thời xưa, osechi chỉ gồm có nimono, rau luộc trong loại nước sốt gồm nước tương, đường/rượu mirin. Ngày nay, người Nhật đã kết hợp đa dạng các món ăn, thêm vào các món ăn từ các nước phương tây hoặc Trung Quốc…
Bên cạnh đó, tùy vào từng địa phương và mỗi gia đình sẽ có chọn số tầng trong Osechi và sắp xếp thứ tự các món khác nhau. Về cơ bản, Osechi sẽ có 4 khay chồng lên nhau, xếp theo thứ tự từ trên xuống, bao gồm:
- Ichi no Ju (一の重)
Tầng 1 gồm những món ăn mang ý nghĩa tốt lành, như Kuromame, Kazunoko, Tazukuri… như lời chúc phúc đầu năm.
Kurimame là món đậu đen ninh ngọt. “Mame” trong tiếng Nhật nghĩa là siêng năng, cần cù. Món này nguyện cầu sức khỏe tốt, làm việc và học hành chăm chỉ trong năm mới.
Kazunoko là trứng cá trích nấu với rượu và nước tương nhạt, có ý nghĩa mong muốn con đàn cháu đống.
- Ni no Ju (二の重)
Tầng thứ 2 nổi bật với các món có vị ngọt được cả người lớn và trẻ em yêu thích như Kobumaki, Kurikinton, Datemaki…
Kobumaki là rong biển cuộn rim ngọt, nhân bên trong đa dạng như cá ngừ, cá hồi, thịt gà… mong ước một năm mới gặp nhiều niềm vui.
Kurikinton là khoai lang nghiền và hạt dẻ, hàm ý cho một năm sung túc, thịnh vượng.
Datemaki là loại trứng cuộn ngọt của người Nhật, được làm từ trứng trộn với hanpen (bánh cá). Món này trông giống các cuộn giấy, mang ý nghĩa phát triển con đường học vấn, công danh.
- San no Ju (三の重)
Tầng thứ 3 có tên gọi là “Hạnh phúc từ biển” với các món nướng thường là hải sản như tôm, cá…
Người Nhật quan niệm, tôm là biểu tượng của sự trường thọ, ý nguyện được sống thọ đến lúc râu dài, lưng cong như tôm.
Tazukuri (Gomame) là cá cơm rim ngọt, mang ý nghĩa cầu xin mùa màng bội thu.
- Yo no Ju (与の重)
Tầng thứ 4 với hương vị “Hạnh phúc từ núi”, chủ yếu là món kho từ rau củ: củ sen, nấm, cà rốt, ngưu bàng…
Onishime là món kho với nguyên liệu là củ sen, cà rốt, rễ ngưu bàng… Củ sen tượng trưng cho sự thông thái, rễ cây ngưu bàng thể hiện mong muốn sức khỏe tốt.
Mua Osechi ở đâu?
Vào những ngày cuối năm, hầu hết các siêu thị, cửa hàng bách hóa đều bày bán Osechi và nhận đặt hàng theo yêu cầu, giao tận nhà.
Giá của một hộp Osechi thường dao động 10,000 yên đủ cho vài người ăn. Các hộp Osechi cao cấp có mức giá đắt đỏ gấp nhiều lần, do các nguyên liệu đặc biệt và được chuẩn bị bởi các đầu bếp nổi tiếng.
Hãy trải nghiệm Osechi, thưởng thức nét văn hóa đặc biệt này tại Nhật Bản trong những ngày đầu năm mới nhé! Chúc bạn và gia đình một năm mới an vui và nhiều may mắn!