Vì sao tăng thuế tắm?
Theo tờ Asahi Shimbun, để ứng phó với lượng du khách nước ngoài tăng đột biến và khắc phục tình trạng mực nước của suối nước nóng đang giảm sút, nhiều thành phố tại Nhật chọn cách tăng thuế tắm.
Thực tế, loại thuế này đã xuất hiện tại một số địa phương ở Nhật Bản từ sau Thế chiến thứ II. Doanh thu từ thuế tắm dùng để bảo trì nguồn nước khoáng, nhà tắm và cơ sở chữa cháy. Trong thời Heisei (1989-2019), thuế tắm còn được trích cho hoạt động quảng bá du lịch của địa phương.
Hiện nay, đa phần các thành phố áp dụng mức thuế tắm là 150 yên/ngày. Một số địa phương vẫn giữ mức thuế này vì nhiều khu nghỉ dưỡng suối nước nóng quy mô nhỏ đang thiếu năng lực quản lý. Tuy nhiên, nhiều nơi đang có xu hướng tăng thuế tắm với khách du lịch.
Hokkaido là nơi có nhiều khu nghỉ dưỡng suối nước nóng nhất Nhật Bản. Vào năm 2015, thành phố Kushiro, nơi có suối nước nóng hồ Akan, đã trở thành địa phương đầu tiên ở Hokkaido tăng thuế tắm. Hiện nay, thuế tắm là 250 yên cho một đêm nghỉ tại khách sạn và lữ quán (ryokan) ở khu vực onsen hồ Akan. Doanh thu từ mức thuế suất cao hơn đã được chính quyền xây dựng bãi đậu xe lớn và cải thiện tốc độ truy cập Wi-Fi miễn phí.
Sự thay đổi này xuất phát từ mong muốn của các đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú nhằm tăng sức hấp dẫn của địa điểm này, cũng như tăng số ngày khách lưu trú. Ban đầu, chính quyền Kushiro cân nhắc ban hành một loại thuế mới, nhưng không được Bộ Nội vụ phê duyệt. Do đó, thành phố đã tăng thuế tắm.
Tuy vậy, hiện thành phố Kushiro vẫn quyết định giữ nguyên thuế tắm ở mức 150 yên cho các khu nghỉ dưỡng suối nước nóng khác ngoài hồ Akan. Hiện khu vực onsen hồ Akan đang được cân nhắc tăng thuế tắm lên 300 yên.
Bên cạnh Kushiro, bốn thành phố khác ở Hokkaido cũng tăng mức thuế tắm tiêu chuẩn lên 300 yên. Đó là thành phố Noboribetsu, nơi có suối nước nóng Noboribetsu; thị trấn Sobetsu và thị trấn Toyako, nơi có suối nước nóng hồ Toya và suối nước nóng Toya; thành phố Date, nơi có suối nước nóng Kitayuzawa. Bốn thành phố cũng cùng quản lý Công viên địa chất toàn cầu Toya-Usu, cùng hợp tác để thúc đẩy du lịch trong khu vực.
Theo các địa phương này, sau khi đại dịch Covid-19 lắng xuống, số lượng du khách đến các suối nước nóng tại đây đã gia tăng trở lại. Doanh thu thuế của thành phố Noboribetsu trong năm tài khóa 2023 là khoảng 311 triệu yên, mức cao nhất kể từ năm 2005. Thành phố đã sử dụng nguồn ngân sách từ thuế tắm để cải tạo ga JR Noboribetsu hiện đại hơn.
Nhiều địa phương rục rịch tăng thuế tắm
Tỉnh Oita ở khu vực Kyushu có số lượng suối nước nóng nhiều nhất Nhật Bản.
Tại thành phố Beppu, nơi có nhiều suối nước nóng, thuế tắm đã được tăng vào năm tài chính 2019 nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên suối nước nóng, sau khi mực nước và nhiệt độ của nước giảm đáng kể. Đây là lần đầu tiên Beppu tăng thuế tắm kể từ năm 1978. Thuế tắm tăng từ 150 yên lên 250 yên tại các cơ sở suối nước nóng có giá phòng dao động từ 6.001 yên đến 50,000 yên. Mức thuế tăng lên 500 yên đối với các phòng hạng sang trên 50,000 yên.
Mức thuế tắm 500 yên là mức thuế cao nhất trong số các thành phố ở Nhật Bản. Tuy vậy, đại diện chính quyền thành phố Beppu cho biết, “Chưa nhận được khiếu nại nào về mức thuế tắm từ khách hàng”.
Tỉnh Shizuoka cũng là nơi có nhiều nơi lưu trú có suối nước nóng nhất cả nước. Thành phố Ito sở hữu suối nước nóng Ito hiện đang đối mặt với tình trạng lượng nước suối nóng suy giảm, cũng quyết định tăng thuế tắm. Vào tháng 9/2024, hội đồng thành phố đã sửa đổi sắc lệnh tăng mức thuế tắm tiêu chuẩn lên 300 yên, thực thi từ tháng 10/2025. Mức thuế hiện tại là 150 yên.
Thị trấn Higashi-Izu nơi có suối nước nóng Atagawa và Inatori, cũng sẽ tăng thuế tắm lên 300 yên từ tháng 3/2025.
Tăng thuế tắm sẽ tạo gánh nặng cho khách du lịch?
Theo Asahi Shimbun, tăng thuế tắm sẽ tạo áp lực cho du khách. Bởi bên cạnh loại thuế này, nhiều địa phương còn áp dụng thêm thuế lưu trú trong thời gian tới. Điều này “sẽ tạo ra gánh nặng gấp đôi cho du khách nghỉ dưỡng tại các khu nghỉ dưỡng suối nước nóng”.