Nhật báo động tình trạng phụ nữ trẻ tự tử

Theo thống kê tại Nhật, tỉ lệ tự tử ở nữ giới cao hơn nam, trong đó, chiếm nhiều nhất là nhóm nữ giới tuổi 20.

Từ năm 2022, Hiệp hội Y học Cấp cứu Nhật Bản (JSEM) hợp tác với Trung tâm thúc đẩy phòng chống tự tử Nhật Bản (JSCP) đã triển khai hệ thống ghi lại các trường hợp bệnh nhân tự tử hoặc tự làm hại bản thân. Đây là hệ thống đầu tiên tại Nhật Bản trong nỗ lực phòng chống tự tử.

Tính đến tháng 12/2023, có 57 trong số 304 trung tâm chăm sóc đặc biệt tham gia vào hệ thống này.

Hôm nay, 26/11/2023, tờ Asahi Shimbun trích dẫn báo cáo mới nhất về dữ liệu được hệ thống thu thập trong một năm đầu tiên hoạt động.

Cụ thể, từ tháng 12/2022 đến tháng 12/2023, đã có 1.987 trường hợp tự tử hoặc cố tự làm hại bản thân. Trong đó, có 733 nam giới, chiếm khoảng 37% và 1.254 phụ nữ, chiếm 63%.

Đáng chú ý, xét theo nhóm tuổi, số người ở độ tuổi 20 chiếm nhiều trường hợp nhất, với 570 ca, chiếm 28%, tiếp theo là người ở độ tuổi 30 với 334 ca, tương đương 17%. Xét theo cả giới tính và nhóm tuổi, phụ nữ ở độ tuổi 20 chiếm số ca nhiều nhất, với 398 ca. Số nữ giới tự tử nhiều gấp đôi nam trong số nhóm tuổi thiếu niên và 20.

Cũng theo báo cáo, các nạn nhân thường chọn cách dùng thuốc quá liều. 40% nam giới và 68% nữ giới chọn cách này để tự tử.

Thống kê của JSEM và JSCP về tình trạng tự tử phân theo nhóm tuổi và giới tính. Ảnh: Asahi Shimbun
Thống kê của JSEM và JSCP về tình trạng tự tử phân theo nhóm tuổi và giới tính. Ảnh: Asahi Shimbun

Sau khi được đưa đến các trung tâm cấp cứu, 79% bệnh nhân phải điều trị tại bệnh viện, 12% người được đưa về nhà theo dõi. Hơn 70% bệnh nhân được chăm sóc chuyên khoa, bao gồm cả những người được chuyển đến khoa sức khỏe tâm thần.

GS Yasufumi Miyake, Khoa Cấp cứu, Trường Y khoa ĐH Teikyo, người đóng vai trò chủ chốt trong việc thiết kế hệ thống trên, kỳ vọng sẽ có nhiều tổ chức y tế tham gia hệ thống này hơn nữa. Nhằm giúp giới chuyên môn phân tích các dữ liệu theo thời gian, khu vực… “Những nỗ lực này sẽ hỗ trợ các nạn nhân và giúp phát triển một số biện pháp phòng ngừa tự tử”, ông nói.

Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi các quốc gia thiết lập hệ thống thu thập và quản lý dữ liệu về hành vi tự tử, hoặc các cá nhân có lịch sử cố tự làm hại bản thân – được coi là yếu tố rủi ro chính dẫn đến tự tử. Trước khi hệ thống của JSEM hợp tác với JSCP được thành lập, Nhật Bản chưa có hệ thống theo dõi tình trạng tự tử.

Scroll to Top