Nhật Bản tìm giải pháp ngăn lạm dụng mua sắm miễn thuế

Tình trạng khách du lịch cố tình lạm dụng chính sách miễn thuế tiêu dùng, bán lại sản phẩm miễn thuế đang gây nhức nhối, theo Mainichi.

Trục lợi từ chính sách mua sắm miễn thuế

Nhật Bản được biết đến là quốc gia có hệ thống mua sắm miễn thuế tốt nhất và thuận tiện nhất trên thế giới. Tại hầu hết các nước, khách du lịch quốc tế mua hàng sẽ thanh toán chi phí bao gồm thuế tại các cửa hàng nội địa. Sau đó xuất trình hóa đơn giao dịch tại các quầy hoàn thuế ở sân bay, để được hoàn thuế trước khi khởi hành.

Song ở Nhật Bản, quy trình này dễ dàng hơn rất nhiều.

Một quầy hàng áp dụng chính sách miễn thuế tại siêu thị Nhật Bản. Ảnh: shueisha

Thuế tiêu thụ 10% được khấu trừ ngay tại các cửa hàng khi khách mua hàng xuất trình hộ chiếu. Với đồ điện tử, hàng tiêu dùng, khi giá trị của các mặt hàng vượt quá 5,000 yên, người mua sẽ phải xuất trình hộ chiếu và hóa đơn mua hàng cho nhân viên hải quan khi rời khỏi Nhật, nhưng thực tế, rất nhiều người không thực hiện bước này.

Những điều này đã tạo ra lỗ hổng cho một số kẻ trục lợi. Một số mặt hàng mua miễn thuế ở Nhật Bản đang được rao bán trên các web thương mại điện tử hoặc ở nước ngoài, với giá bao gồm thuế cộng với một khoản tăng thêm để kiếm lợi nhuận.

Chính phủ Nhật tìm kế sách

Để giải quyết vấn đề bán lại hàng miễn thuế bất hợp pháp, mà không làm ảnh hưởng đến vị thế một quốc gia chú trọng du lịch, Chính phủ Nhật Bản đang đề xuất một phương án mới khi hoàn thuế cho du khách.

Trong đó, Bộ Tài chính đang cân nhắc lắp đặt nhiều ki-ốt tự phục vụ tại các sảnh khởi hành quốc tế, nơi những người mua được miễn thuế khi rời khỏi đất nước có thể quét hộ chiếu. Nếu họ bị nghi ngờ bán lại hàng hóa có giá trị cao đã mua miễn thuế, các nhân viên hải quan có thể tiến hành kiểm tra. Một quan chức của Bộ Tài cho rằng điều này sẽ hạn chế việc lạm dụng hệ thống miễn thuế. “Nếu hải quan không thể xác nhận rằng các mặt hàng miễn thuế đang được mang khỏi đất nước, thì phần miễn thuế sẽ không được hoàn lại nữa”.

Hệ thống hiệu thuốc Matsumoto Kiyoshi áp dụng miễn thuế cho khách du lịch. Ảnh: toyokeizai

Một trong những lý do đằng sau việc Nhật Bản sử dụng miễn thuế tại điểm bán hàng trong thời gian dài là mức thuế bán hàng thấp trong lịch sử so với các quốc gia khác. Khi thuế tiêu dùng được áp dụng ở mức 3% vào năm 1989, có rất ít hoạt động bán lại sản phẩm miễn thuế và các hoạt động bất hợp pháp khác. Tuy nhiên, mức thuế này đã tăng dần lên 10% vào năm 2019. Biên lợi nhuận của việc bán lại hàng hóa miễn thuế đã tăng lên kể từ đó, khiến các hoạt động phi pháp này ngày càng bành chướng.

Từ năm 2020, khi các thủ tục miễn thuế được số hóa, đã cập nhật dữ liệu lịch sử mua hàng một cách chi tiết trong hệ thống của Cơ quan Thuế Quốc gia. Đã chỉ ra việc bán lại hàng miễn thuế và các hành vi lạm dụng khác đang diễn ra một cách trầm trọng.

Chính phủ Nhật dự kiến sẽ thảo luận chi tiết và đưa ra quyết định về việc áp dụng hệ thống hoàn thuế mới vào mùa thu năm nay hoặc sau đó.

Một số người e ngại sẽ khiến sụt giảm doanh số bán hàng miễn thuế tại các cửa hàng. Tuy nhiên, một quan chức Bộ Tài chính lưu ý, “Hơn cả việc mất doanh số là rủi ro gây tổn hại đến ‘hình ảnh thương hiệu’ của các công ty”.

Scroll to Top