Sinh sống, làm việc tại quốc gia có khí hậu ôn đới như Nhật Bản, rất nhiều người Việt không tránh khỏi cảm giác nhớ hương vị của những món ăn, hoa trái quê nhà. Những năm gần đây, hệ thống các cửa hàng tạp hóa Việt Nam mọc lên khắp các thành phố từ phía Bắc trải dài xuống phía Nam Nhật Bản, phục vụ bà con từ chai mắm, lọ tương ớt, mớ rau, bịch ớt tươi, cho tới các đồ ăn khô như phở, mỳ, bún, các loại ngũ cốc, gia vị, đồ ăn vặt và cả trái cây theo mùa.
Khi mùa hè gõ cửa, cũng là thời điểm sôi động nhất năm, bởi nhiều mặt hàng trái cây nhiệt đới cho thu hoạch hoặc được nhập từ Việt Nam sang Nhật như xoài xanh, măng cụt, nhãn…
Biết được nhu cầu của bà con, một số kẻ lừa đảo cũng tích cực giăng bẫy, thủ đoạn đa dạng và tinh vi, khiến nhiều anh chị em sập bẫy.
Dính bẫy trang web giả mạo
Vừa sang Nhật được mấy tháng theo visa gia đình, chị Kiều Liên (25 tuổi, sống tại Gifu) đang mang bầu và ở nhà chờ ngày sinh nở. Ốm nghén thèm chua, chị vào siêu thị Nhật, chỉ thấy cam bưởi và chanh là quả có vị chua, nhưng “trong đầu chỉ nghĩ tới xoài xanh và mận”. Tra Google thấy quán tạp hóa Việt gần nhất cũng cách cả chục cây số, chị tặc lưỡi “thôi, cố nhịn vậy”.
Thế nhưng buổi chiều mở Facebook ra, chị chẳng hiểu sao lại hiện ra nhiều quảng cáo về shop tạp hóa Việt online. Thấy tên của shop giống y hệt hệ thống cửa hàng tạp hóa Việt khá nổi danh trong cộng đồng người Việt ở Nhật, chị Liên vững tin click vào website. Với rất nhiều mặt hàng từ đồ khô cho tới thực phẩm tươi, lại đang có chiến dịch giảm giá 50%, miễn phí giao hàng, “giới hạn 30 đơn hàng đầu tiên”, chị Liên mừng rỡ. Giỏ hàng của chị đầy ắp, gồm phở khô, xương ống, nem chua rán, dồi sụn, cùng một số gia vị, đồ khô, kí xoài, cóc, mận… Định bụng sẽ nấu phở bò chiêu đãi chồng, cùng một số món tủ anh yêu thích, chị Liên không ngại ngần quẹt thẻ thanh toán hóa đơn 2 man.
Tuy nhiên, sau 1 tuần, chị Liên chẳng thấy tăm hơi đơn hàng gửi đến nhà. Gọi điện theo số hotline đều không thể liên lạc được. Quá hoang mang, chị kể chuyện với vài người bạn, biết mình bị lừa và địa chỉ trang web mua hàng hoàn toàn giả mạo.
Thực tế, có rất nhiều website lừa đảo được các đối tượng xây dựng giống như trang web chính thức, chúng sử dụng logo của công ty thật, ảnh của sản phẩm và khi người dùng nhấp vào ảnh, các thông số kỹ thuật hiện ra giống như trang web chính thức. Các sản phẩm thường có giá thấp, khuyến mãi sốc, kích thích người xem bấm mua hàng “kẻo bỏ lỡ”. Ngoài ra, các website giả mạo thường chỉ chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng, người dùng có thể bị chúng đánh cắp thông tin trên thẻ.
Chuyển khoản xong, chủ shop mất hút
Một hình thức lừa đảo không mới nhưng vẫn có rất nhiều người bị mắc bẫy, đó là các tài khoản ảo trên Facebook đăng tin bán đồ ăn, trái cây lên các hội nhóm cộng đồng người Việt tại Nhật. Chúng sử dụng các tài khoản ảo khác để tạo tương tác trong các bài đăng, khiến người đọc nhìn qua tưởng chừng “shop này đông khách và uy tín”.
Khi người mua nhắn tin mua hàng, các đối tượng sẽ dụ khách chuyển khoản trước, trong đó tài khoản ngân hàng nhận tiền thường là thẻ được chúng mua lại của người Việt đã về nước. Sau khi khách chuyển tiền, ngay lập tức, sẽ bị chặn hết liên lạc và vĩnh viễn mất tiền.
Hậu lừa đảo, vẫn tiếp tục mất tiền
Trong một số trường hợp, thẻ tín dụng của bạn đã bị lộ thông tin trên thẻ. Nếu bạn vô tình không kiểm tra thẻ tín dụng, sẽ không nhận ra thẻ đang bị chúng rút tiền tự động.
Bài học cảnh giác
Trên thực tế, nếu chỉ nhìn bằng mắt, rất khó để biết liệu một trang web có phải là giả mạo hay không. Hơn thế nữa, một số các trang web giả danh còn được hiển thị ở đầu kết quả tìm kiếm do các hacker thao túng kết quả tìm kiếm trên Internet. Nếu không để ý, chúng ta rất dễ click vào và rơi vào bẫy của tội phạm.
Để không bị lừa đảo mua sắm trên các trang web giả mạo, bạn nên xác nhận các thông tin cẩn thận trước khi thanh toán. Có thể cài các phần mềm bảo mật giúp cảnh báo các trang web đáng nghi. Khi mua sắm online với các tài khoản trên Facebook, nên tham khảo bạn bè hoặc mọi người trong các hội nhóm để review cửa hàng chính chủ với sản phẩm chất lượng, đồng thời có thể yêu cầu hình thức thanh toán nhận hàng trả tiền.