Kỹ sư Việt biến ô tô thành “nhà di động” du lịch khắp Nhật Bản

Anh Tuấn Anh dành 3 tháng để thiết kế, đo đạc tỉ mỉ, lắp đặt các thiết bị, biến chiếc ô tô của gia đình thành ngôi nhà di động tiện nghi.

Nhớ lại những ngày tháng 7/2022, cả gia đình gồm 3 thành viên rong ruổi khắp 47 tỉnh thành Nhật Bản trên chiếc xe với tấm logo nổi bật ghi “Minato Family chinh phục Japan”, anh Tuấn Anh lại chộn rộn những niềm vui khó tả.

“Gia đình mình đi du lịch vòng quanh nước Nhật bằng chiếc xe này. Đi đến đâu cũng được mọi người chào đón nồng nhiệt, khen xe dễ thương quá. Bên trong lại đầy đủ tiện nghi như ngôi nhà thu nhỏ. Được khen nhiều cũng sướng lắm”, anh cười bẽn lẽn.

Gia đình anh Tuấn Anh - chị Aki
Gia đình anh Tuấn Anh – chị Aki. Ảnh: nhân vật cung cấp

“Ngôi nhà di động” – món quà tặng vợ

Anh Nguyễn Tuấn Anh và chị Aki đang sinh sống, làm việc tại tỉnh Aichi, Nhật Bản. Gia đình nhỏ lúc nào cũng ngập tràn tiếng cười bên con trai Minato. Định cư tại đất nước mặt trời mọc hơn 10 năm, anh cũng ấp ủ muốn làm những điều đặc biệt ghi lại kỷ niệm của gia đình. Chị Aki rất muốn thực hiện một chuyến đi vòng quanh nước Nhật, khám phá đủ 47 tỉnh thành.

Tháng 2/2022, vợ chồng anh bắt đầu lập kế hoạch cho hành trình dài này. “Mình phải tính toán, cân đối tài chính gia đình. Nếu di chuyển bằng tàu hoặc các phương tiện khác khá tốn kém. Hơn nữa, có con nhỏ phải mang rất nhiều đồ, nào bỉm sữa, quần áo, đồ dùng của bé…”. Sau nhiều đêm anh trăn trở, anh quyết định sẽ reform xe ô tô thành một ngôi nhà di động.

Chọn xe

Theo anh Tuấn Anh, yếu tố quan trọng đầu tiên là hãng và dòng xe. Với quãng đường di chuyển dự kiến trên 13.000km, chiếc xe sẽ phải chuyên biệt đi đường dài. Không gian xe tương đối rộng, dành cho gia đình, anh ưu tiên dòng xe 7 chỗ. Hơn nữa, cần cân nhắc mức độ tái sử dụng xe sau khi reform… Cuối cùng, anh lựa chọn xe Toyota dòng Alpha.

Chiếc Toyota Alpha 7 chỗ của gia đình
Chiếc Toyota Alpha 7 chỗ của gia đình. Ảnh: nhân vật cung cấp

Bắt tay DIY

Lần đầu tự thực hiện DIY, lại là một chiếc xe ô tô, anh Tuấn Anh không khỏi bỡ ngỡ. Tham khảo nhiều trang web nước ngoài, xem nhiều kênh Youtube về cách họ thiết kế không gian, lắp đặt thiết bị… Với anh, đây là những kinh nghiệm quý. Nhưng để ứng dụng phù hợp với chiếc xe của gia đình cũng không hề dễ dàng.

Tuy nhiên, khó khăn không khiến anh nản chí. Vốn là một kỹ sư gia công cơ khí hơn 10 năm kinh nghiệm, anh vận dụng những tri thức của công việc vào quá trình thiết kế reform xe. “Vì hành trình dài, gia đình sẽ mang theo nhiều hành lý, nên cần tính toán thiết kế thật chi tiết, chính xác. Từ đo đạc chiều cao, chiều dài, lắp đặt các bộ phận, cho tới hệ thống điện, nước trên xe… đều phải tỉ mỉ, chi li tới từng cm”, anh chia sẻ.

Không gian xe rộng rãi, thoải mái và tiện nghi.
Không gian xe rộng rãi, thoải mái và tiện nghi. Ảnh: nhân vật cung cấp

Chiếc xe Toyota Alpha 7 chỗ được tháo hết hàng ghế giữa. Anh chọn một tấm gỗ chắc chắn để làm giường và kiêm đa công năng, làm ghế ngồi, lại có thể làm tủ để chứa áo quần, đồ dùng…

Chiếc giường được thiết kế đa năng
Chiếc giường được thiết kế đa năng. Ảnh: nhân vật cung cấp

Hệ thống điện và nước cũng được lắp đặt tiện nghi. Với bồn rửa mặt, tủ lạnh mini, thùng nước sạch chứa tối đa 10 lít, thùng rác đựng bỉm cho bé, khoang chứa đồ đạc (ví dụ cần câu để trải nghiệm câu cá). Phía sau, anh lắp thùng chứa nước bẩn. Hệ thống điện sẽ giúp đẩy nước sạch lên và hút nước bẩn dẫn ra thùng chứa.

Hệ thống điện dùng cục sạc dự phòng công suất 1000W, có thể dùng điện 100V, 12V, 5V. Vừa sử dụng tủ lạnh, vừa có thể dùng bếp nhỏ để nấu nướng, thắp sáng. Hệ thống điện trong xe chủ yếu dùng điện 12V nên anh cũng khá an tâm về vấn đề an toàn cháy nổ.

Bồn rửa tiện nghi bên trong xe.
Bồn rửa tiện nghi bên trong xe. Ảnh: nhân vật cung cấp

Mỗi ngày sau khi tan giờ làm ở công ty, anh trở về nhà và tranh thủ 1-2 tiếng buổi tối để thực hiện tuần tự các công việc thiết kế, lắp đặt. “Có điều thuận lợi là nhà mình gần cửa hàng 100 yên và Home Center. Tiện chạy đi mua linh kiện, đồ đạc. Nhưng mình cũng không đếm nổi đã chạy đi chạy lại hai nơi ấy bao nhiều lần”, anh cười nói. 

Lý giải cho việc mua nhiều đồ phụ kiện tại cửa hàng 100 yên, anh cho biết, một phần vì giá thành rẻ. Nhưng chủ yếu là vì nếu trên đường có một bộ phận nào đó bị hỏng đột xuất, có thể ghé ngay các cửa hàng tiện lợi mua thay thế dễ dàng.

“Ngôi nhà di động” của gia đình anh Tuấn Anh có thể mở cửa sổ trời đón không khí mát lành. Ảnh: nhân vật cung cấp

Giống như một chú kiến chăm chỉ, mỗi ngày cần mẫn tháo lắp, thiết kế các bộ phận, sau 3 tháng, anh Tuấn Anh đã hoàn thành chiếc xe reform với chi phí 20 man. Từ tháng 7/2022, chiếc xe “Gia đình Minato” bắt đầu lăn bánh và đồng hành cùng gia đình chinh phục thử thách đi hết 47 tỉnh thành Nhật Bản.

Kinh nghiệm xương máu cho bạn nếu muốn DIY

Theo anh Tuấn Anh, hoạt động đăng kiểm xe sau reform có thể được nếu bạn reform xe tại cửa hàng. “Còn khi tự reform, nếu bạn gặp cảnh sát cũng không sao cả. Nhưng khi xe gặp tai nạn, liên quan tới vấn đề bảo hiểm sẽ có rắc rối trong chi trả. Đây là vấn đề cần lưu tâm. Hiện mình tháo đồ reform ra khi đến lịch đăng kiểm, sau đó tiến hành lắp lại các linh kiện, đồ đạc”, anh nói.

"Ngôi nhà di động" đồng hành cùng gia đình trong hành trình khám phá Nhật Bản.
“Ngôi nhà di động” đồng hành cùng gia đình trong hành trình khám phá Nhật Bản. Ảnh: nhân vật cung cấp

Trong quá trình reform, điều quan trọng là phải cân đối nhu cầu của bản thân và gia đình. Cần lắp đặt những gì, liệu có thể làm được không. Bạn có thể tự reform những sản phẩm nhỏ trước khi bắt tay thực hiện cải tạo một chiếc xe, sẽ có kinh nghiệm để reform xe đẹp hơn.

“Nhiều người bảo tự reform cho rẻ, nhưng đôi khi cộng chi phí dụng cụ, vật liệu còn cao hơn. Tuy nhiên, đối với mình, tự thiết kế một chiếc xe theo ý thích của gia đình cũng là niềm vui lớn. Mong rằng chia sẻ của mình sẽ giúp ích cho các bạn”, anh nói.

Scroll to Top