“Ngày xưa lúc còn đi học, em chỉ biết chú tâm vào việc học. Mẹ cho tiền tiêu vặt mỗi tháng. Đến khi sang Nhật đi làm, lương về thì trả tiền thuê nhà và các loại phí, rồi ăn uống, mua sắm theo nhu cầu, sở thích của bản thân. Còn dư bao nhiêu thì tiết kiệm, một chút gửi về cho gia đình”, Tuyết Vân, 23 tuổi, đang làm việc tại Hyogo chia sẻ.
Tương tự như Vân, anh Giáp Văn Dũng, một kỹ sư đang làm việc tại Tokyo cho biết, “Mình có nghe TV, báo đài nói về quản lý tài chính cá nhân. Nhưng không hiểu rõ. Đa phần chi tiêu theo nhu cầu thôi. Bao giờ lấy vợ sẽ nhờ vợ quản lý tiền giùm (cười)”.
Theo các chuyên gia, sự hồn nhiên và thờ ơ về tài chính cá nhân đang khiến nhiều bạn trẻ bỏ lỡ nhiều cơ hội tạo dựng kinh tế vững vàng.
Tài chính cá nhân là khái niệm không hề phức tạp như nhiều người tưởng tượng. Thay vì có bao nhiêu tiêu bấy nhiêu, hoặc cứ tiêu, còn dư bao nhiêu mới tiết kiệm, bạn sẽ lên kế hoạch cho việc kiếm tiền, tiêu tiền, tiết kiệm tiền và đầu tư tiền – chính là đang thực hiện quản lý tài chính cá nhân. Hãy cùng xem 4 bước lập kế hoạch hiệu quả dưới đây:
Bước 1: Xác định tình hình tài chính hiện tại của bản thân
Việc đầu tiên là bạn cần ghi chép chi tiết các thông tin dưới đây trong 1 tháng và cộng con số tương ứng trong 1 năm:
- Kiếm được bao nhiêu tiền?
- Tiêu bao nhiêu? Tiêu vào những khoản gì?
- Có khoản nợ nần hay tài sản gì?
- Hiện nay tiết kiệm được bao nhiêu?
Ghi chép chi tiêu là bước cơ bản để nắm tình hình tài chính cá nhân, giúp bạn nhìn ra giá trị của việc chi tiêu có kế hoạch và chủ động trong quản lý tiền bạc.
Nếu hay dùng tiền mặt, bạn có thể sử dụng ứng dụng Notes trên điện thoại để ghi lại ngay sau khi chi tiêu cho khỏi quên. Ví dụ chia thành các mục như đồ ăn, quần áo, đi lại… Đến cuối tháng tổng kết vào file Excel. Nếu sử dụng thẻ ngân hàng, hoặc thẻ tín dụng thì đợi tới cuối tháng bạn lên tải bản sao kê ngân hàng và phân loại vào các đề mục trong file Excel của mình.
Ngoài ra, một số ứng dụng như Money Manager, Money Lover, Spendee…giúp bạn thống kê các khoản mua sắm theo từng ngày.
Bước 2: Thiết lập ngân sách chi tiêu
Sau khi thống kê tình hình tài chính, bạn nắm được các khoản chi trong tháng, mức tiền tiết kiệm hoặc đang nợ nần. Lúc này, bước tiếp theo sẽ là thiết lập ngân sách cho mỗi mục chi tiêu. Suy xét kỹ những ghi chép từ bước 1 để xem có khoản nào có thể cắt giảm được, từ đó đặt ra ngân sách chi tiêu giới hạn hàng tháng.
Ở bước này, bạn cũng có thể tính ra được mình có thể tiết kiệm tối đa được bao nhiêu từ thu nhập hiện tại. Lập ngân sách để không hụt trước thiếu sau và có thể linh hoạt điều chỉnh ngân sách này theo từng tháng.
Bước 3: Đặt mục tiêu tài chính và phân bổ ngân sách
Mục tiêu tài chính sẽ tuỳ vào hoàn cảnh cá nhân của mỗi người, nhưng nhìn chung nên đặt mục tiêu thực tế, bao gồm cả mục tiêu ngắn hạn (ví dụ 1 năm) và mục tiêu dài hạn (5, 10, 20 năm).
Ví dụ:
Mục tiêu trong 3 năm sẽ trả hết nợ đã vay đi Nhật và tiết kiệm được 100 triệu.
Để xác định được mục tiêu này có thực tiễn không, bạn nhớ đối chiếu với thông tin ở bước 1 và bước 2 ở trên.
Tiếp đến, bạn lựa chọn một trong các nguyên tắc phân chia và điều chỉnh cho phù hợp với bản thân:
Nguyên tắc 70-10-10-10
10% – Cho đi (Giving)
10% – Tiết kiệm (Saving)
10% – Đầu tư (Investing)
70% – Tiêu dùng (Spending)
Nguyên tắc 50 – 20 – 30
50% – Nhu cầu: cho chi tiêu tất yếu (ví dụ thuê nhà, ăn uống đi lại…)
30% – Mong muốn: cho chi tiêu cá nhân (ví dụ đi du lịch, giải trí)
20% – Tiết kiệm, trả nợ, quỹ dự phòng và đầu tư
Nguyên tắc 6 cái lọ 55 – 10 – 10 – 10 – 10 – 5
55% – Chi tiêu thiết yếu
10% – Tiết kiệm dài hạn
10% – Đầu tư
10% – Dành cho giáo dục
10% – Hưởng thụ
5% – Sẻ chia, từ thiện
Ngoài ra, nên lưu ý tới khoản tiết kiệm quỹ dự phòng khẩn cấp, hay còn gọi là Emergency Fund, phòng trường hợp công ty phá sản bạn phải nghỉ việc, hoặc chẳng may ốm đau bệnh tật, bạn nghỉ làm, mất thu nhập. Quỹ này nên tương đương 3-6 tháng sinh hoạt của bạn, gia đình bạn.
Bước 4: Tìm hiểu về đầu tư
Trừ số ít người có gia đình bề thế, được tạo điều kiện cho vốn đầu tư, còn hầu hết chúng ta sử dụng nguồn vốn đầu tư trích từ tiền lương, tiền tiết kiệm, cố gắng tăng lương, giảm tiêu.
- Tăng lương: yếu tố cốt lõi nhất là bạn đầu tư vào chính bản thân mình. Ví dụ học 1 khóa tiếng Nhật business, học thêm chứng chỉ chuyên môn… giúp bạn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ. Khi bạn giỏi hơn, sẽ được công ty đánh giá cao hơn và đề xuất mức lương tốt hơn. Hoặc bạn có thể tự chuyển việc, tìm kiếm cơ hội mới.
- Giảm tiêu: để giảm chi tiêu, yếu tố quan trọng là tính kỷ luật. Mỗi lần chuẩn bị mua vài chiếc áo, đôi giày, hay một món đồ trên Rakuten, hãy dành thời gian 24 giờ suy nghĩ mình cần nó tới mức nào? Bạn đã có 5-7 đôi giày rồi, đôi mới này sẽ dung hàng ngày không, hay chỉ một vài lần trong năm? Một điều thú vị là sau 24 giờ, não bộ của chúng ta thường giảm hứng thú với món đồ đó, nên sẽ giúp bạn giảm mua sắm bốc đồng.
- Tìm hiểu những kênh kiếm tiền mới
Một số kênh đầu tư hiện nay như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, vàng, tiền số… khá thu hút, nhưng bạn cần tìm hiểu kỹ càng về phương thức đầu tư và mức độ rủi ro. Nên nhớ là không bao giờ có chuyện kiếm tiền dễ lại ít rủi ro. Đừng lao đầu vào cái gì khi bạn chưa hiểu rõ, như thế chẳng khác gì đánh bạc. Bạn có thể bắt đầu với 1-2 kênh, từ số vốn nhỏ, thực hiện trong giai đoạn thử nghiệm để đánh giá những kết quả đầu tiên trước khi mở rộng đầu tư.
Ngoài ra, việc bán lại đồ cũ không dùng tới trên một số trang thương mại điện tử, ví dụ mercari, rakuma…cũng giúp bạn thu về món tiền nhỏ.
Hy vọng những chia sẻ này sẽ giúp bạn lập kế hoạch tài chính khoa học và phù hợp cho bản thân.