Sáng nay 7/4, ngay trong phiên mở cửa đầu tuần, giới tài chính Nhật Bản choáng váng khi chỉ số Nikkei 225 giảm hơn 2.980 điểm, tương đương khoảng 8,8%, xuống còn 30.925,46 – mức thấp nhất kể từ tháng 10/2023. Thị trường bán tháo tài sản rủi ro, phản ánh sự lo lắng và bất an ngày càng tăng của các nhà đầu tư về cuộc chiến thương mại gia tăng có thể khiến nền kinh tế toàn cầu suy thoái.
Cùng với Nhật, thị trường chứng khoán toàn cầu cũng lao dốc. Điển hình, chỉ số S&P/ASX 200 của Australia giảm hơn 6%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 4,4%. Chỉ số Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 5,5%. Hang Seng Index (Hong Kong) mất gần 9%. Sắc đỏ bao phủ chứng khoán thế giới.
Cá biệt là sàn chứng khoán Đài Loan phải dừng giao dịch trong ngày 7/4. Giới chức chứng khoán phải kích hoạt cơ chế ngắt mạch giao dịch khi thị trường giảm 9,7%, tiến sát ngưỡng 10% để ngắt mạch theo quy định. Lý do chủ yếu là bởi các cổ phiếu hàng đầu là TSMC và Foxconn sáng nay giảm lần lượt 10% và 9,8%. Đài Loan là đối tác thương mại lớn của Mỹ và bị áp thuế đối ứng 32%.
Trên thị trường tiền tệ, giới đầu tư đổ xô mua tài sản trú ẩn, nhất là yên Nhật và franc Thụy Sĩ. Tỉ giá đồng yên hiện khoảng 146,2 yên/USD. Đầu phiên sáng nay, đồng bạc xanh có thời điểm mất giá hơn 1% so với đồng yên.

Trước đó, ngay sau khi Tổng thống Donald Trump công bố chính sách thuế đối ứng mới lên hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất của Phố Wall kể từ Covid-19 đã được châm ngòi.
Là nền kinh tế bị Mỹ áp thuế 34%, Trung Quốc lập tức có động thái cứng rắn đáp trả. Ngày 4/4, Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo áp thuế nhập khẩu bổ sung 34% lên toàn bộ hàng hóa Mỹ, có hiệu lực từ ngày 10/4.
Phản ứng từ Trung Quốc khiến thị trường chứng khoán Mỹ càng chao đảo mạnh. S&P 500 trải qua tuần giao dịch tệ nhất kể từ tháng 3/2020 – thời điểm đại dịch Covid-19 làm rung chuyển kinh tế thế giới và so với mốc tháng 2 chỉ số này cũng giảm tới 17,4%. Chỉ số Dow Jones tụt 5,5%, trong khi Nasdaq lao dốc 5,8% và mất hơn 20% so với mức đỉnh thiết lập hồi tháng 12/2024.
Hôm 4/4, cổ phiếu của 486 trong 500 công ty S&P 500 đều giảm điểm. Giá dầu thô xuống mức thấp nhất kể từ năm 2021. Vật liệu cơ bản như đồng cũng mất giá do thị trường lo ngại suy thoái.
Câu hỏi được cả thế giới quan tâm hiện nay là: Liệu chiến tranh thương mại có gây ra suy thoái toàn cầu không?
Ông Donald Trump dường như không hề nao núng và vẫn kiên định với chính sách thuế mới. Ông Trump cho rằng người Mỹ có thể cảm thấy “đau đớn” vì mức thuế đối ứng này quá cao, nhưng xét về các mục tiêu dài hạn, bao gồm việc mang lại nhiều việc làm và thúc đẩy sản xuất nội địa, thì cái giá của chiến lược thuế này là xứng đáng.
Tờ AP cho rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể giảm bớt tác động của thuế quan đối với nền kinh tế nước này bằng cách cắt giảm lãi suất, có thể khuyến khích các công ty và hộ gia đình vay và chi tiêu. “Nhưng bản thân Fed có thể có ít quyền tự quyết và hành động”. Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu hôm 4/4 ,“Nghĩa vụ của Fed là duy trì kỳ vọng lạm phát dài hạn ở mức ổn định và đảm bảo rằng việc cắt giảm lãi suất sẽ không trở thành lạm phát dai dẳng”.
Tờ AP nhận định, câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ và sẽ phụ thuộc vào thời gian áp dụng thuế quan của chính quyền Trump, cũng như cách các quốc gia khác sẽ trả đũa đòn thuế này như thế nào. Giới đầu tư Phố Wall kỳ vọng ông Trump sẽ hạ thuế quan sau khi giành được “chiến thắng” đàm phán với các quốc gia.