Những ngày gần đây, nền nhiệt tại Nhật Bản đã hạ thấp, đánh dấu bước vào mùa đông lạnh giá. Để xua tan cái lạnh, nhiều người chọn cách ngâm onsen hàng giờ hoặc tắm nước nóng để làm ấm cơ thể. Tuy vậy, nguy cơ đột quỵ khi tắm cũng tăng cao trong mùa đông. Do cơ thể bị sốc nhiệt, chênh lệch giữa nhiệt độ bên ngoài và nhiệt độ trong phòng tắm. Khiến huyết áp thay đổi đột ngột, có thể khiến chúng ta bị bất tỉnh hoặc đột quỵ.
Chuyên gia Ayumi Toba, Trưởng khoa tim mạch nội khoa, Viện Lão khoa và Lão khoa Tokyo (TMIG), cho rằng, nhiều người nghĩ tình trạng đột quỵ khi tắm chỉ xảy ra ở người cao tuổi. Thực tế người trẻ cũng cần phải cẩn thận.
Đột quỵ khi tắm nguy cơ tử vong gấp 3,7 lần so với tai nạn giao thông
Tình trạng sốc nhiệt khi đang tắm có thể gây ra các cơn đau tim đột ngột, rối loạn nhịp tim, đột quỵ. Theo số liệu thống kê từ Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, riêng trong năm 2023, có 6.073 người từ 65 tuổi trở lên tử vong trong bồn tắm tại nhà riêng hoặc viện dưỡng lão. Con số này cao gấp khoảng 2,3 lần so với số người tử vong do tai nạn giao thông trong cùng năm.
Trước đó, vào năm 2011, khảo sát do Viện Lão khoa và Lão khoa Tokyo (TMIG) liên kết với một số tổ chức cho thấy, 17.000 người đột tử trong khi tắm. Con số này cao hơn khoảng 3,7 lần so với số ca tử vong do tai nạn giao thông trong cùng năm 2011.
Số người cao tuổi bị nhồi máu cơ tim khi tắm đã tăng đột biến từ tháng 12 đến khoảng tháng 2. Đây là giai đoạn lạnh đỉnh điểm trong mùa đông. Chưa kể, một số ca tử vong được cho là do “sốc nhiệt” đã được phân loại là do “bệnh tật”. Nên thực tế số bệnh nhân tử vong do sốc nhiệt trong mùa đông có thể cao hơn rất nhiều.

Theo chuyên gia Ayumi Toba, khi trời lạnh, các mạch máu trong cơ thể chúng ta bị co lại. Lúc này nếu đột ngột vào bồn tắm nước nóng, sẽ khiến các mạch máu giãn ra và huyết áp đột nhiên giảm xuống. Khả năng đưa máu lên não của cơ thể sẽ bị suy yếu, có thể lập tức rơi vào trạng thái mất ý thức.
“Mối nguy hiểm lớn nhất là ngất xỉu trong bồn tắm có thể gây ngạt thở và chết đuối. Đừng nghĩ rằng ‘Tôi sẽ ổn’ dù trước đó bạn hoàn toàn khỏe mạnh, không có tiền sử bệnh não hoặc tim”.
Năm 2011, có khoảng 3.000 ca tử vong khi tắm là người trẻ. Đột quỵ không chừa một ai. Mọi người thuộc mọi lứa tuổi đều nên cảnh giác với đột quỵ.
Phòng ngừa sốc nhiệt khi tắm mùa đông
Chuyên gia Ayumi Toba hướng dẫn cách tránh bị sốc nhiệt, đột quỵ trong phòng tắm vào mùa đông lạnh như sau:
1/ Lắp đặt hệ thống sưởi ấm hoặc vật liệu cách nhiệt trong phòng tắm, phòng thay đồ.
2/ Tránh tắm ngay sau khi ăn hoặc uống rượu.
3/ Nếu có thể, hãy thông báo với thành viên gia đình rằng bạn đang tắm.
4/ Trước khi tắm, nên uống một cốc nước lọc.
5/ Đặt nhiệt độ nước nóng ở mức 41 độ C.
6/ Có thể sưởi ấm phòng tắm bằng cách xả nước nóng từ vòi sen hoặc xả nước đầy bồn tắm. Hơi nước nóng bốc lên giúp làm ấm phòng. Người cao tuổi hoặc có tiền sử bệnh tim mạch nên tắm sau các thành viên khác. Lúc này phòng tắm đã ấm lên do có người tắm trước.
Khi người thân ngất trong phòng tắm, phải làm gì?
Nếu may mắn sớm phát hiện người thân của bạn bị ngã, ngất trong phòng tắm, chuyên gia Toba khuyên bạn; trước tiên, nhanh chóng xả hết nước trong bồn tắm. Rồi phải phủ khăn tắm lên người họ, lau khô người để đảm bảo không bị lạnh.
Nếu họ không phản ứng khi bạn gọi tên, hoặc trông tình trạng diễn tiến xấu, hãy gọi xe cấp cứu ngay lập tức.