Theo tờ Mainichi, các cuộc thảo luận chính sách giữa Đảng Dân chủ Tự do (LDP), Đảng Công Minh (Komeito) và Đảng Dân chủ vì Nhân dân (DPFP) đã diễn ra sôi nổi. Với trọng tâm chính là ngưỡng nộp thuế thu nhập của người dân, hay còn gọi là “mức trần thu nhập hàng năm 103 man”.
Hiện nay, người lao động thu nhập dưới mức này không phải đóng thuế thu nhập. Một bộ phận người dân chọn cách làm bán thời gian (baito) để giữ thu nhập dưới ngưỡng này, nhằm tránh gánh nặng nộp thuế. Một số nhà chính sách cho rằng, điều này cản trở nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động của các doanh nghiệp nhỏ, quán ăn vốn luôn “khát” nhân sự.
Đảng DPFP đề xuất tăng ngưỡng thu nhập hàng năm được miễn thuế thu nhập lên 178 man, thay cho mức hiện tại là 103 man. Đảng này giải thích, mức lương tối thiểu đã tăng hơn 70% kể từ khi ngưỡng 103 man được thiết lập vào năm 1995 và việc giảm thuế sẽ làm tăng thu nhập thực tế.
Vài thập kỷ trước, phạm vi thu nhập miễn thuế ban đầu được thiết lập nhằm hỗ trợ người dân trang trải chi phí sinh hoạt tối thiểu. Do tình trạng giảm phát và một số lý do khác, ngưỡng 103 man được giữ cố định suốt nhiều thập kỷ. Đảng DPFP lập luận, hiện tại cần thiết tăng mức này lên “một số tiền nhất định” để giải quyết tình trạng vật giá leo thang quá cao như hiện nay.
Tuy nhiên, kế hoạch thực thi do DPFP đưa ra vẫn còn nhiều vấn đề cần xem xét. Điển hình là việc áp thuế như thế nào đối với những người có thu nhập cao.
Nhiều ý kiến cho rằng đề xuất 178 man của DPFP là “mức tăng quá mức”. Bởi nếu mục đích nhằm hỗ trợ chi phí sinh hoạt khi vật giá tăng cao, thì cần xem xét mức tăng cân xứng và phù hợp với tốc độ tăng giá. Đây cũng là cách nhiều quốc gia thực hiện. Trong trường hợp này, mức tăng sẽ vào khoảng 10%.
Theo Mainichi, vai trò của giới chính trị là đưa ra biện pháp hỗ trợ người dân đang phải vật lộn với giá cả tăng cao, “nhưng không được đưa ra những chính sách vô trách nhiệm”.
Thực tế, những người thu nhập thấp là nhóm chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi thị trường biến động, tăng giá. Tuy nhiên, Mainichi cho rằng, đề xuất trên “có lợi hơn với người thu nhập cao”.
Một số người cũng lo ngại rằng biện pháp này có thể làm nghiêm trọng thêm tình hình tài chính công của Nhật Bản. Nguồn thu thuế sẽ giảm từ 7.000-8.000 tỷ yên/năm. “DPFP lập luận rằng, cách này sẽ kích thích tiêu dùng và tăng doanh thu thuế, nhưng đây là một quan điểm quá lạc quan”, Mainichi nhận định. Hơn nữa, nếu trái phiếu Chính phủ được phát hành để bù đắp khoản thiếu hụt, sẽ càng khiến nợ công trầm trọng hơn – tạo ra gánh nặng tài chính nặng nề hơn cho những thế hệ tương lai của nước Nhật.
Hơn nữa, ngay cả khi ngưỡng được nâng lên 178 man , vấn đề “trần” vẫn không được giải quyết. Khi thu nhập bán thời gian của người lao động vượt quá một mức nhất định – ngưỡng 106 man và 130 man, người lao động phải đóng nenkin và bảo hiểm – sẽ làm giảm mức lương thực tế họ nhận về tay. Theo tờ Mainichi, điều này gây ra tác động lớn.
Trong cuộc bầu cử diễn ra hồi tháng 10, Liên minh LDP và Đảng Công Minh (Komeito) đã mất thế đa số tại Hạ viện, hiện đang muốn Đảng DPFP về cùng liên minh. Mainichi cho rằng, nếu vấn đề ngưỡng thuế thu nhập trở thành con át chủ bài để “mặc cả” nhằm duy trì vị thế cầm quyền, có thể “sẽ làm méo mó chính sách” và đề xuất này “cần được đánh giá một cách kỹ lưỡng hơn”.