Theo báo Mainichi, trong năm 2024 vừa qua, chính quyền Fukuoka đã nhận được nhiều báo cáo về tình trạng trộm cắp rác thải gia đình, cụ thể là rác tái chế. Số vụ tăng hơn 13 lần so với bốn năm trước.
Đáng chú ý là vụ án tại phường Minami, thành phố Fukuoka hồi tháng 12/2024, tên trộm còn tấn công một nhân viên đi tuần tra tại bãi xử lý rác thải. Thanh niên ngoài 20 tuổi này bị cáo buộc ăn trộm túi đựng các lon nhôm. Khi y đang chuẩn bị bỏ trốn bằng xe ô tô, thì nhân viên tuần tra đã phát hiện cố gắng ngăn người đàn ông lại. Tuy nhiên liền bị anh ta xô người, kéo áo, giằng co… Cảnh sát tìm thấy 5 túi lớn đựng đầy lon nhôm trên xe của người này. Báo cáo cho thấy, anh ta nhiều lần ăn cắp các loại rác tái chế, đã bị chính quyền thành phố cảnh cáo ba lần, cả bằng lời nói và bằng văn bản.
Vấn đề nhức nhối này không chỉ xảy ra ở Fukuoka.

Khảo sát của Bộ Môi trường vào tháng 9/2022 với 1.741 chính quyền thành phố trên toàn quốc cho thấy, 729 thành phố báo cáo về tình trạng trộm cắp rác thải tái chế, nhất là vỏ lon. Một số địa phương xảy ra nhiều vụ án gồm Osaka, Shiga, Tokyo, Saitama và Aichi. Trong số các loại rác bị ăn trộm, lon rỗng là loại phổ biến nhất, được 342 thành phố báo cáo. Tiếp theo là giấy và kim loại. Nhiều địa phương nhận được khiếu nại của người dân về tình trạng bị trộm cắp các loại rác tái chế.
Lý do các tên trộm lùng sục trộm loại rác này bởi có thể bán cho các doanh nghiệp tái chế, mà hiện giá nhôm ngày càng tăng cao. Theo một công ty quản lý chất thải công nghiệp ở tỉnh Fukuoka, giá thu mua lon nhôm là 55 yên một kg vào năm 2020, nhưng hiện đã tăng vọt lên 170 yên, tức tăng giá hơn ba lần. Bởi căng thẳng địa chính trị toàn cầu đã khiến nhiều quốc gia lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung, dường như đã góp phần khiến giá nhôm tái chế tăng giá. Đây được xem như một yếu tố dẫn đến sự gia tăng các vụ trộm lon nhôm ở Nhật Bản. Theo một nhân viên tại công ty quản lý chất thải này, “Một số cá nhân đến bán khoảng 60 kg lon nhôm”.
Tình trạng trộm cắp tràn lan cũng ảnh hưởng đến doanh thu rác tái chế của các thành phố. Theo chính quyền Fukuoka, chi phí hoạt động hàng năm của một cơ sở xử lý rác thải không cháy được là khoảng 500 triệu yên trong năm tài chính 2023, vốn được bù đắp một phần bằng số tiền thu được từ bán rác thải tái chế thu gom được. Mặc dù giá nhôm tăng qua các năm sẽ khiến số tiền thu được này phải tăng theo, nhưng thực tế doanh thu lại giảm, từ khoảng 112 triệu yên trong năm tài chính 2021 xuống còn khoảng 76 triệu yên trong năm tài chính 2023. Sự suy giảm này được cho là do lượng rác thải tái chế bị giảm do vấn nạn trộm cắp.
Theo khảo sát của Bộ Môi trường, 283 thành phố báo cáo nguồn doanh thu rác tái chế đã giảm do khối lượng rác giảm, cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình hình.