Theo Kyodo News, hôm nay (18/4) Nhật Bản ban hành luật sửa đổi luật bảo vệ và quản lý động vật hoang dã, trong đó cho phép chính quyền các địa phương phản ứng nhanh hơn và hiệu quả hơn trong các vụ động vật tấn công người. Luật mới đã được Thượng viện thông qua. Chính phủ Nhật kỳ vọng luật mới sẽ thực thi từ mùa thu năm nay, khi loài gấu bắt đầu tăng cường kiếm ăn trước khi ngủ đông.
Các loài động vật được liệt kê trong danh sách nguy hiểm bao gồm gấu nâu, gấu đen châu Á và lợn rừng. Trước đây, luật cũ chỉ cho phép bắn động vật nguy hiểm khi các nạn nhân gặp nguy hiểm trực tiếp.
Theo Bộ Môi trường, gấu nâu sống chủ yếu ở Hokkaido, trong khi gấu đen sống rải rác khắp 34 tỉnh tại nước này. Những năm gần đây, ngày càng nhiều người bắt gặp gấu xuống các khu vực đông dân cư để tìm thức ăn. Một phần nguyên nhân cũng do hoạt động canh tác nông nghiệp của người dân vùng núi thu hẹp dần, các trang trại bị bỏ hoang. Gấu thiếu nguồn thức ăn, khiến chúng mạnh bạo mò xuống các khu dân cư.
Theo báo cáo, từ năm 2023 tới tháng 3/2024, trên khắp Nhật Bản đã có 219 trường hợp thương vong, 6 trường hợp tử vong do bị gấu tấn công.

Theo luật sửa đổi, chính quyền địa phương có thể yêu cầu thợ săn hoặc quan chức bắn một con gấu khi lo ngại nó sẽ xâm nhập vào khu dân cư gây nguy hiểm, hoặc khi được cho là cần phải có phản ứng khẩn cấp để ngăn chặn chúng có nguy cơ gây hại cho con người. Tuy nhiên, luật cũng nêu rõ bắt buộc đáp ứng một số điều kiện nhất định trước khi được phép nổ súng khẩn cấp. Ví dụ, trường hợp có thể nổ súng khi xác định không thể bắt được con vật một cách nhanh chóng nếu không sử dụng súng và đồng thời xác định được không có nguy cơ con người bị cuốn vào đường đạn.
Ngoài ra, luật mới cho phép lãnh đạo thành phố có thể ban bố hạn chế giao thông và ban hành lệnh sơ tán để đảm bảo an toàn cho người dân khi phải nổ súng khẩn cấp. Chính quyền địa phương sẽ bồi thường nếu tòa nhà bị hư hại do đạn lạc.