Nông thôn Nhật hút lao động nước ngoài bằng bảo hiểm cho người thân và tiền thưởng

Nhiều vùng nông thôn Nhật Bản cố gắng giữ chân người lao động nước ngoài bằng các chính sách ưu đãi, gồm tăng tiền thưởng và cấp bảo hiểm cho người thân của họ ở quê nhà.

Theo Asahi Shimbun, chính quyền địa phương ở các vùng nông thôn Nhật Bản, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề do tình trạng suy giảm dân số trong nhiều thập kỷ, đang ngày càng lo lắng về việc Chính phủ Nhật có nhiều điều chỉnh chính sách liên quan đến lao động nước ngoài.

Hệ thống đào tạo thực tập sinh kỹ thuật hiện hành, thực thi từ năm 1993, dự kiến sẽ bị bãi bỏ vào tháng 6/2027. Theo hệ thống mới thay thế, những thực tập sinh nước ngoài sẽ được phép chuyển sang công việc mới nếu họ làm việc trong một khoảng thời gian nhất định. Sự thay đổi này có nghĩa là ngay cả khi các doanh nghiệp nhỏ có thể thu hút lao động nước ngoài, họ vẫn có thể mất lao động vào tay các nhà tuyển dụng ở các tỉnh thành khác cung cấp mức lương và điều kiện làm việc tốt hơn.

Nhiều vùng nông thôn nhận ra rằng họ đang bị thiệt thòi rất lớn so với các thành phố đô thị. Hơn nữa, bản thân nước Nhật cũng đang trở nên kém hấp dẫn hơn đối với những lao động đến từ Đông Nam Á và Nam Á.

Sáng kiến cấp bảo hiểm cho người thân của lao động nước ngoài

Anh Hồ Anh Đức là một thực tập sinh Việt Nam đang làm việc tại Kofu Building Service, công ty cung cấp dịch vụ vệ sinh và bảo trì thiết bị tại Kofu, thủ phủ tỉnh Yamanashi. Chủ doanh nghiệp của anh đã hỗ trợ cấp bảo hiểm cho cha anh tại Việt Nam, thông qua một công ty bảo hiểm Nhật và sự hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh Yamanashi. Cha anh đang làm việc tại một đồn điền cà phê ở Việt Nam.

“Người nước ngoài làm việc tại Nhật đều lo lắng về sức khỏe của những người thân trong gia đình. Tôi rất cảm kích chính sách bảo hiểm này của công ty vì chi phí y tế ở Việt Nam rất đắt đỏ”, anh Đức nói.

Chính sách bảo hiểm tai nạn và chăm sóc sức khỏe của tỉnh Yamanashi dành cho công dân Việt Nam làm việc tại tỉnh này sẽ được cấp bảo hiểm cho người thân ở quê hương. Chính sách này soạn theo yêu cầu của các lãnh đạo tỉnh, do Tokio Marine Insurance Vietnam, chi nhánh tại Việt Nam của một công ty bảo hiểm hàng đầu Nhật Bản cung cấp.

Phí bảo hiểm hàng năm là 26,000 yên cho mỗi người thân. Bảo hiểm sẽ chi trả 90% chi phí y tế cho người được bảo hiểm. Theo hợp đồng, doanh nghiệp sử dụng lao động phải đóng góp ít nhất 75% chi phí bảo hiểm. Tỉnh Yamanashi trợ cấp một phần chi phí. Đây là chính sách bảo hiểm tư nhân, khác với bảo hiểm y tế công cộng của Nhật Bản.

Nông thôn Nhật hút lao động nước ngoài bằng bảo hiểm cho người thân và tiền thưởng
Anh Hồ Anh Đức (phải) và Tetsuji Sakamoto, chủ tịch Kofu Building Service, công ty anh Đức đang làm việc. Ảnh: Asahi Shimbun

Biện pháp mới này được lãnh đạo tỉnh Yamanashi đưa ra tăng sức cạnh tranh thu hút lao động nước ngoài đến đây, trong bối cảnh cạnh tranh lao động ngày càng khốc liệt không chỉ giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, mà còn ngay trong các tỉnh thành của Nhật.

Ông Tetsuji Sakamoto, chủ tịch Kofu Building Service, nơi anh Đức đang làm việc, cho biết, chương trình này cũng mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp địa phương. “Việc giúp anh Đức thanh toán phí bảo hiểm không hẳn là gánh nặng lớn đối với công ty chúng tôi. Tôi nghĩ rằng nhờ chính sách này sẽ thu hút thêm những người lao động Việt Nam chọn Yamanashi để định cư và làm việc”.

Tuy vậy, chương trình bảo hiểm y tế đã gây ra làn sóng phản đối ngay tại Yamanashi. Chính quyền tỉnh Yamanashi đã nhận được hơn 400 cuộc gọi với thái độ giận dữ vào tháng 5/2024, hai tuần sau khi chính sách này được công bố. Người phản đối cho rằng tiền đóng thuế của họ đang được dùng cho người thân của các lao động Việt Nam.

Nhiều người dân coi đây là sự “ưu đãi” dành cho người lao động nước ngoài. Họ cũng hiểu lầm rằng người Nhật phải nộp thuế đang gián tiếp chi trả 90% chi phí chăm sóc sức khỏe cho gia đình người lao động Việt Nam. Đồng thời cho rằng, chính quyền nên ưu tiên giảm chi phí y tế cá nhân của người cao tuổi Nhật Bản xuống 10% hoặc tăng cường hỗ trợ để giúp đỡ những người Nhật gặp khó khăn.

Tuy nhiên, ông Masanori Sakamoto, phó giám đốc bộ phận thúc đẩy các biện pháp dành cho người lao động quốc tế của chính quyền tỉnh, vẫn kiên quyết thực hiện sáng kiến này. “Chúng ta đang sống trong thời đại mà ngày càng nhiều người nước ngoài tìm kiếm việc làm có xu hướng bỏ qua lựa chọn nước Nhật Bản. Thật sự không thể thu hút họ khi tỉnh Yamanashi có mức lương trung bình thấp hơn các tỉnh thành khác, nếu chúng ta chỉ ngồi yên và không làm gì cả”, ông nói

Theo chính quyền tỉnh, việc sử dụng tiền công để trả một phần phí bảo hiểm trên sẽ hỗ trợ phần nào cho các doanh nghiệp địa phương vốn đang phải vật lộn để đảm bảo nguồn nhân lực mới mong tồn tại lâu dài.

Tính đến tháng 10/2023, có khoảng 11.000 người nước ngoài làm việc tại Yamanashi. Cộng đồng người Việt Nam đông nhất, chiếm khoảng 30% tổng số.

Tăng tiền thưởng để giữ chân lao động nước ngoài

Trả tiền thưởng cao là một nỗ lực khác để thu hút người lao động nước ngoài.
Tỉnh Kochi đã khởi động một chương trình vào năm 2024 nhằm mang lại ưu đãi cho lao động từ Việt Nam và Ấn Độ đến đây với tư cách là thực tập sinh kỹ thuật hoặc lao động có tay nghề. Nếu người lao động làm việc trong tỉnh 3 năm, gồm cả học văn hóa và phương ngữ Kochi, sẽ được chính quyền tỉnh chứng nhận và cấp 300,000 yên. Ngoài ra, Kochi còn có ngân sách 24 triệu yên cho 80 suất khuyến khích người lao động ở đây.

Một số chính quyền địa phương khác ở Nhật cũng trợ cấp cho các doanh nghiệp trang trải chi phí nhà ở và chi phí theo học trường tiếng Nhật cho nhân viên nước ngoài. Kochi là địa phương duy nhất trợ cấp tiền mặt trực tiếp cho người lao động nước ngoài.

Nông thôn Nhật hút lao động nước ngoài bằng bảo hiểm cho người thân và tiền thưởng
Lớp học tiếng Nhật cho người lao động nước ngoài sẽ làm ngành điều dưỡng tại Kochi. Ảnh: chính quyền tỉnh Kochi

Thực tế, mức lương tối thiểu của tỉnh Kochi là 952 yên, thấp hơn mức trung bình toàn quốc là 1.055 yên.
“Với mức lương trung bình này, Kochi phải đối mặt với rào cản rất lớn trong việc thu hút lao động nước ngoài và giữ họ ở lại đây”, một viên chức tỉnh cho biết. “Chúng tôi cần đưa ra một động lực để giữ chân người lao động nước ngoài, và 300,000 yên chính là động lực đó”.

Ngoài Kochi, năm 2024, chính quyền Tottori cũng thưởng lên tới 400,000 yên cho người lao động nước ngoài làm việc tại các viện dưỡng lão, sau khi họ tham gia khóa học tiếng Nhật được chỉ định kéo dài một năm. Người lao động có thể nhận được 100,000 yên sau khi làm việc sáu tháng và thêm 100,000 yên sau một năm, hai năm và ba năm. “Họ cũng có thể chuyển việc đi nơi khác, nhưng chúng tôi hy vọng rằng phần thưởng bằng tiền mặt níu họ ở lại với Tottori”, một viên chức nói.

Tuy nhiên, một số lãnh đạo địa phương khác coi những chính sách này là mối lo ngại.

Soichi Kataoka, thị trưởng thành phố Soja, tỉnh Okayama, cho biết việc hỗ trợ người lao động nước ngoài có cuộc sống ổn định như dạy tiếng Nhật và phong tục Nhật Bản nên được các thành phố mở rộng hơn. Nhưng các chính quyền địa phương không nên cạnh tranh về mặt tiền tệ. “Nếu bạn nói ‘Hãy đến cộng đồng của chúng tôi và chúng tôi sẽ cho bạn 300,000 yên’ thì điều đó sẽ trở thành một ‘cuộc đua tiêu cực’ và cuối cùng sẽ làm cạn kiệt nguồn lực vốn hạn chế của chúng tôi”.

Theo Cơ quan Dịch vụ Di trú, tính đến cuối năm 2024, có khoảng 3,77 triệu người nước ngoài sinh sống tại Nhật Bản, tăng 10,5% so với năm trước. Một ước tính dự đoán rằng tỉ lệ người nước ngoài tại Nhật Bản có thể chiếm tới 10% tổng dân số vào khoảng năm 2050 nếu cộng đồng người nước ngoài tiếp tục tăng trưởng như hiện nay, cùng với sự sụt giảm mạnh của dân số nước Nhật qua mỗi năm.

Scroll to Top