98% người Nhật gốc nước ngoài bị phân biệt đối xử

Các hành vi phân biệt đối xử với người Nhật lai hoặc người Nhật nhập cư gây ra những ảnh hưởng tâm lý nặng nề.

Tờ Mainichi cho biết, mới đây, nhà Xã hội học Lawrence Yoshitaka Shimoji thuộc Đại học Ritsumeikan (Nhật Bản), cùng nhóm chuyên gia đã nghiên cứu về các đối xử phân biệt với người Nhật gốc nước ngoài.

Theo ước tính, Nhật Bản có khoảng 840.000 trẻ em có mẹ hoặc cha là người nước ngoài. Tuy nhiên, số lượng thực tế được cho là cao hơn, vì con số này không bao gồm các trường hợp cả cha và mẹ đã bỏ quốc tịch gốc để đổi sang quốc tịch Nhật Bản.

Nhóm nghiên cứu phỏng vấn 448 người. Kết quả, 98% đã từng bị phân biệt đối xử bằng lời nói và hành động, như kỳ thị về giới tính, chủng tộc, khuynh hướng tình dục và các đặc điểm khác của họ.

Ví dụ, bị nhân viên nhà hàng cư xử thô lỗ, hành khách trên tàu có thái độ tránh ngồi gần họ. Điển hình là bị nhân viên ngân hàng liên tục yêu cầu xuất trình thẻ ngoại kiều, ngay cả khi người đó giải thích rằng họ là người Nhật, có quốc tịch Nhật Bản. Có những trường hợp khi đi xin việc, đã bị đáp trả rằng “Chúng tôi không thuê người nước ngoài”. Có người bị từ chối hợp đồng thuê nhà ngay khi nói họ tên.

Hơn thế nữa, nhiều lời nói và hành vi phân biệt không “trực tiếp”, “công khai”, nhưng vẫn gây tổn thương tâm lý cho các nạn nhân.

Các trải nghiệm này hằn lên tâm hồn những vết sẹo vô hình, khiến 47,18% người trong nghiên cứu này cho biết cảm thấy stress hoặc trầm cảm. Tỉ lệ này cao hơn nhiều mức ghi nhận trong cuộc khảo sát toàn quốc của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi. Thậm chí, nhiều người tự làm đau bản thân hoặc tự tử.

Một số người Nhật gốc nước ngoài cảm giác không được đối xử công bằng như người Nhật bình thường. Ảnh: CNN

Theo các chuyên gia, gốc rễ của những hành vi phân biệt đối xử này là từ “chủ nghĩa nhìn nhận”. Nhiều người hay đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài và nếp nghĩ phân biệt đối xử đối với người nước ngoài đã khắc sâu vào nhận thức. Trong nhiều trường hợp, mọi người có lời nói hoặc hành động gây tổn thương người khác mà vô thức không biết rằng mình khiến người đó “đau đớn”.

Nhóm chuyên gia gợi ý giải pháp. Nếu thấy một người có hành vi phân biệt đối xử, nên nói thẳng điều đó ra để họ nhận thức được việc làm sai trái của mình. Có lẽ sẽ khiến họ “tỉnh ngộ”, biết quan tâm hơn đến cảm xúc của người khác, cởi mở suy nghĩ về người nước ngoài và người Nhật gốc nước ngoài.

Scroll to Top