1/ Karuta
Đây là một trong những trò chơi truyền thống mang tính biểu tượng nhất vào dịp năm mới. Trò chơi dành cho mọi lứa tuổi, giúp rèn luyện phản xạ, kỹ năng đọc và nghe.
Karuta có lịch sử lâu đời, bắt nguồn từ kai-awase, một trò chơi ghép thơ sử dụng vỏ sò được giới quý tộc yêu thích trong thời Heian (794-1185), kết hợp với các bộ bài theo phong cách châu Âu du nhập vào Nhật Bản từ thế kỷ 16.
Người chơi karuta cần nhận dạng chính xác và lấy được lá bài phù hợp càng nhanh càng tốt, sẽ chiến thắng các đối thủ. Karuta có nhiều biến thể, phổ biến nhất là hyakunnin isshu karuta gồm 100 bài thơ cổ của Nhật Bản.
2/ Kendama
Kendama phổ biến ở Nhật Bản và hiện đã lan rộng trên toàn thế giới. Thường được làm bằng gỗ, loại đồ chơi này bao gồm một ken (có nghĩa là kiếm hoặc chuôi kiếm), dama (bóng) và một đoạn dây.
Điểm hấp dẫn của Kendama là cấu tạo đơn giản nhưng lại vô cùng linh hoạt. Người chơi có thể thực hiện hàng nghìn cách chơi sáng tạo. Các chuyên gia thành thạo Kendama có khả năng kết hợp khoảng 30.000 cách chơi.
Bạn chỉ cần vung bóng và bắt nó giữa ba “chén” của ken, các “chén” dọc theo tay cầm. Nhiều em nhỏ Nhật Bản chơi Kendama khi 2-3 tuổi, dù có thể bị bóng đập vào đầu nhưng các em vẫn rất say mê trò này. Kendama giúp tăng khả năng phối hợp tay và mắt, rèn luyện cho trẻ nhỏ năng động hơn.
3/ Fukuwarai
Trò Fukuwarai có nguồn gốc từ thời Edo, là trò chơi vừa dễ vừa vui. Cách chơi khá giống trò Pin the Tail on the Donkey của Mỹ.
Đầu tiên, người chơi bị bịt mắt. Sau đó, họ được hướng dẫn đặt đúng các đặc điểm khuôn mặt (mắt, mũi, miệng, lông mày…) lên một bản vẽ khuôn mặt trống được đặt trên bàn. Các mẫu khuôn mặt truyền thống bao gồm okame (một người phụ nữ có hai má bầu bĩnh sẽ mang lại may mắn) và hyottoko (một người đàn ông có miệng giống như chiếc vòi trông khá hài hước).
Trong năm mới, Fukuwarai thường được chơi theo nhóm. Các đồng đội giúp người chơi bằng cách hét to chỉ dẫn, nhưng họ cũng có thể đánh lừa đồng đội của mình để tạo ra những khuôn mặt ngộ nghĩnh gây cười. Trong tiếng Nhật, Fukuwarai có nghĩa là “tiếng cười may mắn”, vì tiếng cười được cho là sẽ đem lại may mắn cho bạn.
4/ Hanetsuki
Hanetsuki có nguồn gốc từ một nghi lễ Shinto có từ thời Nara, với ý nghĩa ban phước lành, sức khỏe và may mắn cho các cô gái.
Giống như chơi cầu lông không có lưới, hanetsuki được chơi với một hoặc hai người. Bạn sẽ dùng một vợt gỗ gọi là hagoita và một vật giống quả cầu lông được gọi là hane.
Hanetsuki có nhiều cách chơi. Ví dụ, người chơi cố gắng giữ hane trên không trung càng lâu càng tốt. Một phiên bản khác là hai người chơi đối đầu trong một trận đấu với các quy tắc tương tự như cầu lông. Hiện nay trò chơi này đã ít phổ biến hơn, nhưng nhiều hang vẫn bán hagoita vào dịp năm mới như một món đồ cho mọi người sưu tầm.
5/ Ohajiki
Trò chơi này rất phổ biến với các bé gái trong thời kỳ Edo. Cách chơi gần giống như trò bi ve ở Việt Nam, ohajiki thường là những miếng sứ, thủy tinh hoặc nhựa nhiều màu sắc, với hình tròn dẹt.
Hai người chơi đặt ohajiki trước mặt và lần lượt lật các quân cờ của họ. Nếu một người chơi đặt quân cờ của mình vào quân cờ của đối thủ, họ sẽ được giữ quân cờ và giành được một điểm. Trò chơi tiếp tục cho đến khi tất cả các quân cờ được thu thập và người chơi có nhiều quân cờ nhất sẽ thắng.
6/ Takoage
Thời xa xưa, takoage (thả diều) chỉ được tầng lớp thượng lưu chơi như thú tiêu khiển. Từ những năm 1600, nó bắt đầu phổ biến trong dân chúng đến độ thời Mạc phủ đã ban hành lệnh cấm thả diều vào ngày thường và chỉ được phép chơi trong dịp năm mới.
Ngày nay, takoage phổ biến, những chiếc diều đa dạng với mọi hình dạng, kích thước và kiểu dáng. Dịp năm mới, trò chơi này còn mang ý nguyện cầu mong một năm mới suôn sẻ.
Bạn có chơi những trò truyền thống này trong dịp năm mới tại Nhật không?