Rôm sảy
Rôm sảy thường mọc thành cụm sẩn màu đỏ hồng, trên có mụn nước nhỏ hoặc mụn mủ trắng xen lẫn ở các vùng da bài tiết nhiều mồ hôi như lưng, trán, ngực… hoặc ở vùng kẽ lớn như nách, bẹn, thậm chí toàn thân. Bệnh này lành tính, có thể không cần điều trị và thường gặp ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, cũng có trường hợp rôm sảy gây ngứa ngáy, khó chịu. Với trẻ sơ sinh, bé sẽ quấy khóc, bỏ ăn, mất ngủ. Với trẻ lớn hơn, bé gãi nhiều gây trầy xước, viêm nhiễm.

Nếu tình trạng nhẹ, ba mẹ cho bé mặc đồ thoáng mát, thấm hút mồ hôi, giữ không gian mát mẻ, khuyến khích con nghỉ ngơi thay vì vận động nhiều.
Song song, hãy tắm mát cho bé, vừa làm mát cơ thể, giúp da sạch sẽ, hết mồ hôi. Có thể nấu nước khổ qua (mướp đắng) để tắm cho bé. Đây là phương pháp dân gian giúp trị rôm sảy hiệu quả, an toàn.
Phát ban nhiệt
Đây là tình trạng mọc nhiều nốt mẩn ngứa nhỏ khi cơ thể bé quá nóng, tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn, làm bít lỗ chân lông quá mức, khiến mồ hôi không thoát ra được. Phát ban nhiệt thường xảy ra ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ 1-2 tuổi do có lỗ chân lông nhỏ hơn người lớn. Để ngăn ngừa, nên mặc quần áo rộng rãi, thoáng khí, giữ cho da khô ráo và thoáng mát nhất có thể. Bù đủ nước, điện giải cho trẻ. Chú ý cắt tỉa móng tay con để trẻ không làm xước da khi gãi.
Nấm da
Bệnh này thường xuất hiện ở những vùng da ẩm ướt hoặc có nhiều mồ hôi như bẹn, bàn chân và vùng nếp gấp của da. Biểu hiện dạng phát ban có vảy, da đổi màu và gây ngứa. Các bệnh nấm da thường gặp là hắc lào, lang ben, nấm da đầu, kẽ chân, nấm móng…
Bệnh nấm da thường lây lan qua tiếp xúc trực tiếp, như tiếp xúc với nấm trên quần áo hoặc các vật dụng khác; tiếp xúc với người, động vật bị nấm.

Viêm da cơ địa
Thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao là môi trường thuận lợi để viêm da cơ địa phát triển. Biểu hiện gây ngứa, càng nóng càng ngứa. Nhiều người không chịu được đã gãi mạnh, gây sứt da, nhiễm trùng, làm cho bệnh càng nặng thêm.
Để phòng tránh các bệnh viêm da trong mùa hè, bạn nên thực hiện các biện pháp sau:
- Mặc quần áo sạch, chất liệu thoáng, thấm hút mồ hôi
- Sử dụng riêng các vật dụng cá nhân như quần áo, khăn tắm…
- Uống nhiều nước giúp tuyến mồ hôi, thận bài tiết tốt hơn
- Vệ sinh nhà cửa và vật dụng thường xuyên
Nếu triệu chứng ngày càng nặng, hãy đến các cơ sở chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.