Nhiều khách du lịch, người lao động nước ngoài lần đầu đặt chân đến Nhật đều không khỏi bỡ ngỡ khi nhìn thấy ai đó đang uống nước ở vòi nước công cộng.
Nguyễn Bảo Ngọc, một du học sinh đang sống ở Osaka cũng rất ngạc nhiên. “Hồi ở Việt Nam, lẽ dĩ nhiên muốn uống nước phải trải qua quá trình chắt lọc, đun kỹ lưỡng mới đảm bảo an toàn”.
Hãy thoải mái uống nước ở vòi công cộng Nhật Bản
Theo các chuyên gia, chất lượng nước ở Nhật Bản đạt tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhất thế giới. Nhật là 1 trong 15 quốc gia bảo đảm nước chảy từ vòi có thể uống được.
Tuy nhiên, một số du khách châu Âu khi uống nước máy ở Nhật lần đầu tiên thường có cảm giác khó uống. Lý do là bởi phần lớn các loại nước bao gồm cả nước máy và nước phun tại Nhật đều là “nước mềm” tức là có độ cứng thấp. Trong khi châu Âu hay cả Việt Nam sử dụng nước cứng. Độ cứng của nước được biểu hiện thông qua nồng độ hoà tan của Canxi và Magie trong nước. Nếu bạn quen với nước cứng thì sẽ cảm thấy nước mềm có vị nhạt.
Hệ thống làm sạch nước tiên tiến tại Nhật
Nguồn nước của Nhật Bản được ca ngợi là mô hình cung cấp nước đô thị vượt trội, sử dụng thiết bị hiện đại, mức độ an toàn cao và chất lượng tốt. Tất cả các Cục cấp phát nước trên toàn quốc đều được trang bị cơ sở hạ tầng và thiết bị lọc nước tốt nhất, đảm bảo chất lượng nước.
Nước tới tay người dân Nhật phải vượt qua 51 tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi nước này đặt ra. Gồm kiểm tra độc tính, các chất gây ô nhiễm, các xét nghiệm để đảm bảo màu sắc, độ trong và mùi. Bên cạnh đó, Nhật Bản quy định 200 thông số về an toàn và chất lượng nước.
Tại nhà máy xử lý, nước phải trải qua hàng loạt quy trình xử lý, kiểm tra để trở thành nước tinh khiết. Điển hình là sử dụng ozone và than hoạt tính để xử lý. Ozone là loại khí khử trùng mạnh, có thể khử các chất gây mùi độc hại có trong nước, trong khi than hoạt tính có thể giúp loại bỏ chất bẩn.
Việc kiểm tra chất lượng nước được thực hiện kỹ lưỡng ở từng giai đoạn của quá trình lọc. Các nhà máy xử lý nước có các bể phát hiện chất độc, trong đó thả cá và sử dụng camera giám sát chuyển động của chúng. Các tín hiệu điện từ được tạo ra khi cá chuyển động sẽ được đo liên tục. Nếu nước bị ô nhiễm, cá sẽ có biểu hiện lạ, như di chuyển đột ngột. Tín hiệu cảnh báo sẽ được chuyển tới nhân viên giám sát ngay lập tức.
Trong bối cảnh nguồn nước sạch ngày càng sụt giảm mạnh do hạn hán và ô nhiễm, nhiều công ty Nhật Bản đã đưa ra những sáng kiến mới nhằm khai thác và xử lý hiệu quả nguồn nước ngầm, nước biển.
Nagaoka – công ty hàng đầu về khai thác và xử lý nước của Nhật Bản có sáng kiến “Quy trình Chemiles”. Đây là công nghệ loại bỏ đất độc hại, khoáng chất dư thừa khỏi nguồn nước ngầm, mà không sử dụng thêm chất phụ gia hóa học. Chemiles dựa vào quá trình oxy hóa và vi khuẩn ăn tạp chất để loại bỏ sắt, mangan và nitơ amoniac mà không tạo ra bùn thải hóa học như các phương pháp xử lý khác.
Bên cạnh xử lý nước, việc vận chuyển nước sạch an toàn tới người sử dụng cũng được coi trọng. Đường ống dẫn nước bị rò rỉ hoặc không đảm bảo chất lượng có thể khiến quy trình lọc nước trở nên vô nghĩa.
Bên dưới đường phố thủ đô Tokyo là hệ thống cấp nước mô phỏng mạch máu trên cơ thể người. Nếu nối các đường ống này lại, chúng có chiều dài bằng nửa chu vi Trái Đất. Để đảm bảo nguồn cung nước ổn định, đơn vị cấp nước luôn đảm bảo áp suất nước như nhau ở mọi đường ống.
Công ty Nước sạch Tokyo thường xuyên thay thế những đường ống bị mòn, sử dụng các đường ống có khả năng chống động đất. Ngoài ra, các bể chứa nước cũng được kiểm tra và làm sạch định kỳ để đảm bảo chất lượng nước.
Nhờ đó, hệ thống nước sạch cung cấp đến người dân và tới các vòi nước công cộng đều đạt chất lượng cao, an toàn với sức khỏe.
Nếu bạn khát nước, đừng e dè uống nước tại vòi công cộng tại Nhật nữa nhé!