Tai nạn tiềm ẩn
Vẫn chưa hết bàng hoàng sau biến cố ập đến, chị Linh ngồi thẫn thờ ngoài phòng bệnh. Mẹ chị được bác sĩ cấp cứu kịp thời, cơn nguy hiểm đã qua đi. Hai vợ chồng chị sống và làm việc ở Ibaraki, Nhật Bản đã hơn 6 năm, thương mẹ lủi thủi cô quạnh, mỗi năm chị đều đón mẹ sang ở cùng 3 tháng bằng visa thăm thân. Lần này mẹ chị vừa sang được hơn nửa tháng.
“Sáng nay mẹ mình đang chăm mấy luống rau thì bị rắn habu (một loài rắn lục) cắn. Có lẽ vì nhà gần ruộng lúa, xung quanh nhà lại nhiều bụi cỏ um tùm. May mắn được cấp cứu kịp thời nên mẹ mình đã qua cơn nguy kịch. Hiện chi phí điều trị dự tính khoảng gần 50 man. Mọi lần mẹ sang đều suôn sẻ, nên mình chủ quan không mua bảo hiểm du lịch. Giờ không có bảo hiểm nên phải tự thanh toán chi phí quá đắt đỏ”, chị Linh buồn bã nói.
Bảo hiểm du lịch – “người bạn” bảo vệ chúng ta
Theo khảo sát của Cơ quan Du lịch Nhật Bản, cứ 20 người thì có 1 người bị ốm hoặc bị thương khi ở nước ngoài. Dịch vụ y tế ở Nhật Bản rất tiên tiến, nhưng việc điều trị cũng có thể trở nên vô cùng tốn kém. Trước mỗi chuyến đi tới Nhật Bản, hoặc sắp bảo lãnh người thân qua Nhật du lịch, thăm thân, bạn nên tìm hiểm về bảo hiểm du lịch, sẽ chi trả các chi phí y tế và bồi thường thiệt hại xảy ra trong chuyến đi. Đây là bảo hiểm riêng biệt và khác biệt so với bất kỳ loại bảo hiểm y tế nào.

Hiện nay có rất nhiều công ty cung cấp dịch vụ bảo hiểm du lịch. Tùy theo mỗi công ty và các gói khác nhau, mức giá dao động từ 1-3 triệu đồng/người cho hành trình bảo hiểm từ vài ngày tới 1-3 tháng.
Điều quan trọng nhất ở đây là bạn cần nắm rõ gói bảo hiểm bao gồm những gì và cách thức chi trả như thế nào. Ví dụ, khi có biến cố về sức khỏe, bạn sẽ nhận được chi phí chăm sóc y tế. Một số gói bảo hiểm còn chi trả khi bạn bị thất lạc hành lý, vé máy bay và khách sạn bị hủy, bạn bị đánh cắp thiết bị đắt tiền như laptop, điện thoại (mặc dù trộm cắp ở Nhật Bản là cực kỳ hiếm nhưng đôi khi vẫn xảy ra)… Ngoài ra, trường hợp bạn mắc bệnh mãn tính cũng sẽ ảnh hưởng đến phạm vi chi trả bảo hiểm du lịch.
Tuy nhiên, lưu ý rằng bảo hiểm thường sẽ không hiệu lực nếu bạn tham gia các hoạt động nguy hiểm, có nguy cơ tai nạn cao như trượt tuyết, leo núi, đi bộ xuyên rừng, lặn với bình dưỡng khí… Hơn nữa, một số gói bảo hiểm sẽ không bồi thường thiệt hại hoặc thương tích cho bên thứ ba, ví dụ bạn gây tai nạn cho người khác. Hãy cần đọc kỹ thông tin về từng gói bảo hiểm trước khi quyết định mua nhé.