1/ Đúng giờ
Đối với người Nhật, mỗi phút đều quý như vàng, ngay cả thời gian chạy của tàu điện, xe buýt cũng chính xác đến từng giây từng phút. Khi đi tàu shinkansen, chỉ cần đến trễ giờ tàu chạy 1 phút, thậm chí 30 giây, rất có thể bạn sẽ phải mua vé lượt sau. Vì thế, người Nhật thường luôn đúng giờ trong công việc hàng ngày. Đặc biệt là giờ đi làm, tham dự một buổi họp, hay khi hẹn ai đó.
Theo anh Thắng, một trong những điều quan trọng nhất khi sống ở Nhật là cần luôn đúng giờ. “Điều đó không chỉ thể hiện sự tôn trọng người khác, mà còn khiến sếp, đồng nghiệp có thiện cảm với bạn, giúp công việc suôn sẻ hơn. Có một lưu ý, đối với người Nhật, đúng giờ là khi đến trước giờ hẹn 5-10 phút”, anh nói.

2/ Thời gian làm việc dài và áp lực
Nổi tiếng là đất nước có thời gian làm việc dài, người Nhật thường làm việc trên 9 tiếng một ngày và tăng ca nhiều. Tình trạng già hóa dân số nghiêm trọng, dẫn đến thiếu hụt nguồn lao động. Nhiều doanh nghiệp không đủ nguồn nhân lực, gia tăng áp lực công việc và tăng ca, khiến nhiều bạn trẻ mới sang Nhật lao động không khỏi choáng váng.
Bên cạnh mục tiêu tăng năng suất chung cho công ty, còn nguyên nhân khác đó là họ làm việc vì mục đích cạnh tranh. Ở Nhật Bản, thâm niên vẫn chi phối rất nhiều nếu bạn muốn đạt một mức lương cao hay thăng tiến chức vụ cao hơn. Do đó, bạn cần sắp xếp thời gian biểu hợp lý để cân bằng thời gian làm việc và dành cho gia đình.
3/ Học cách im lặng
Khác với môi trường làm việc có phần hoạt náo ở Việt Nam, người Nhật đề cao việc giữ im lặng nơi làm việc, giúp mọi người tập trung hết mức vào hoàn thành công việc của mình, đạt hiệu suất cao. “Công ty ở Việt Nam rất hoan nghênh tuýp người hướng ngoại, không khí làm việc vui vẻ rộn ràng. Nhưng ở Nhật không như vậy, bạn sẽ gây ấn tượng xấu đối với đồng nghiệp”, anh Thắng chia sẻ.

4/ Quy tắc trang phục
Quy định về trang phục nơi làm việc tại Nhật có phần khắt khe hơn ở Việt Nam. Khi tới phỏng vấn xin việc cũng như khi bắt đầu làm việc, bạn nên quan sát cách ăn mặc của đồng nghiệp để lựa chọn trang phục phù hợp, nhất là khi đi gặp khách hàng hoặc làm việc với đối tác. Trong những tình huống trang trọng như vậy, cần mặc vest và thắt cà vạt đối với nam, vest và váy công sở màu đen với nữ.
5/ Hạn chế hỏi hết sức có thể
Chắc chắn bạn đang cảm thấy vô lý khi đọc được lời khuyên này. Bởi nhiều người thường khuyên rằng “hãy cố gắng hỏi càng nhiều càng tốt” hay “sếp sẽ rất vui khi bạn biết đặt câu hỏi”.
“Đúng là với những gì thuộc chuyên môn, bạn nên hỏi, điều này thể hiện thái độ cầu thị và ham học hỏi. Nếu tự làm theo ý mình mà gây hậu quả sẽ còn tệ hại hơn. Tuy nhiên, với những kiến thức căn bản, nên tìm kiếm trên Google đầu tiên, tránh hỏi đồng nghiệp sẽ gây phiền hà, vì ai cũng bận rộn công việc riêng. Hơn nữa, sếp sẽ đánh giá rằng bạn yếu kỹ năng khi không thể tự mình hoàn thành những công việc cơ bản nhất”, anh Thắng nói.
Thay vào đó, hãy cố gắng lắng nghe và chú ý quan sát. Đây là kỹ năng thiết yếu dù bạn làm bất cứ công việc gì, ở bất kỳ nơi đâu, đặc biệt trong những ngày đầu làm quen với môi trường mới tại Nhật Bản. Chú ý quan sát và ghi lại vào một quyển sổ nhỏ, biết đâu nó sẽ trở thành chìa khóa thông tin giúp bạn giải quyết một tình huống sau này.
Chúc bạn luôn suôn sẻ khi gắn bó với môi trường làm việc ở Nhật.