Đến thủ phủ trồng xương rồng ở Nhật ăn đủ món từ xương rồng
Tại một trang trại ở thành phố Kasugai, tỉnh Aichi, bà Deguchi Miki cùng chồng là ông Deguchi Motohiko đang chăm sóc những cây xương rồng lê gai. Nhiều cây mới chỉ đang nhú lên, sẽ mau chóng phát triển và trở thành những cây xương rồng đạt chất lượng thành phẩm vào khoảng mùa thu. Gia đình Deguchi đã học cách trồng cây xương rồng từ năm 2015. Hiện tại, trang trại của họ có hơn 700 gốc xương rồng, được bán trực tuyến và tại các cửa hàng, cũng như trở thành nguồn nguyên liệu làm tempura cho các nhà hàng cao cấp ở Aichi.
Xương rồng phát triển mạnh ở các vùng khí hậu sa mạc, có khả năng chống chịu với khí hậu và điều kiện sinh trưởng khắc nghiệt. Chi Opuntia thường được gọi là xương rồng lê gai, còn có tên khác như nopal, cây lưỡi long hoặc tuna. Đặc điểm là phiến lá dẹt, mang nhiều gai và quả có hình dạng giống quả lê khi chín. Khi trồng không cần chăm bón nhiều, cũng không dùng thuốc trừ sâu. Chúng chịu được mưa lớn và ngập úng.

Những người nông dân ở Kasugai, Aichi bắt đầu trồng xương rồng cảnh vào khoảng năm 1953. Kể từ đó, thành phố này phát triển thành một trong những trung tâm trồng cây xương đồng hàng đầu tại Nhật Bản.
Xương rồng lê gai từ lâu đã là món ăn được ưa chuộng ở các nước Mỹ Latinh, nhưng chưa phổ biến tại Nhật Bản. Đây là giống xương rồng chứa nhiều khoáng chất, chất xơ và các loại vitamin thiết yếu, được đánh giá là một “siêu thực phẩm”.

Nó có vị nhẹ, thanh mát, dễ dàng chế biến thành nhiều món như bánh quiche xương rồng, bánh mì xương rồng nướng, xiên que xương rồng, tempura xương rồng, ramen xương rồng… thậm chí có thể thưởng thức ngay mà không cần nấu chín. Vì thế hai vợ chồng bà Deguchi muốn truyền bá cách ăn món này. Là một trong số ít nông dân trồng loại xương rồng ăn được ở Nhật, bà tin rằng loại cây chứa nhiều chất dinh dưỡng này đang trên đà trở thành thực phẩm hấp dẫn, tốt cho sức khỏe. “Nó còn rất ngon khi ăn kèm với cơm và cá ngừ bào”, bà Miki nói.
Xu hướng trồng xương rồng làm thực phẩm tại Nhật
Năm 2017, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đã nhấn mạnh tiềm năng của cây xương rồng lê gai như một nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và khủng hoảng lương thực. Cây này hiện được trồng làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi ở khoảng 30 quốc gia trên thế giới. Theo báo Kyodo, các chuyên gia Nhật Bản cũng đang tập trung vào tiềm năng của các giống cây xương rồng ăn được như một biện pháp đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu.
Năm 2024, ĐH Chubu đã thành lập Trung tâm Sáng kiến Nghiên cứu về Xương rồng và Cây mọng nước để ứng dụng xương rồng trong công nghiệp. Trung tâm này tọa lạc tại thành phố Kasugai, Aichi, là nơi đầu tiên trồng xương rồng cảnh tại Nhật. Các nhà nghiên cứu tại trung tâm này cho biết, những con chuột được có chế độ ăn trộn bột xương rồng lê gai có chỉ số mucin cao hơn. Mucin là một loại protein bao phủ bề mặt ruột và giúp ngăn chặn vi rút, đồng thời tăng cường chức năng miễn dịch cho cơ thể. PGS Tanaka Mamoru, chuyên gia về thực phẩm và dinh dưỡng tại ĐH Chubu, cho biết: “Tôi tin rằng xương rồng có tiềm năng to lớn như một loại thực phẩm chức năng”.

Gia đình Deguchi và một hộ nông dân khác trồng xương rồng ăn được thường cung cấp nguyên liệu cho khoảng 10 nhà hàng cung cấp thực đơn từ xương rồng. Các trường tiểu học và trung học cơ sở địa phương cũng đưa món cà ri xương rồng, bánh croquette xương rồng, hay korokke xương rồng vào thực đơn cho học sinh.
Xu hướng trồng cây xương rồng lê gai đang lan rộng sang các tỉnh thành Nhật Bản. Vào tháng 5/2025, Watahan Super Center, một siêu thị và chuỗi cửa hàng gia dụng hoạt động chủ yếu ở tỉnh Nagano, đã bắt đầu bán loại cây này tại một số chi nhánh. “Chúng tôi muốn người dân nâng cao nhận thức và biến nó thành một loại rau phổ biến ở Nhật Bản”.