1 trong 100 điều ước tuổi 20
Lần đầu tiên trò chuyện với Lê Thị Hồng, dễ dàng cảm nhận nguồn năng lượng tích cực, vui vẻ từ cô gái đang theo đuổi lĩnh vực nhân sự tại Nhật Bản. Đến đất nước mặt trời mọc bằng tấm vé visa du học sinh, Hồng đã gắn bó với nước Nhật gần 10 năm. Hành trang khiến cô gái 31 tuổi tự hào là đã khám phá hết 47 tỉnh thành, đến những nơi ít người lui tới, làm nhiều điều thú vị ít người biết. Hành trình dài này được nung nấu từ khi cô tròn 20 tuổi.
Thời điểm khoảng năm 2013, khi đang là sinh viên Đại học ở Việt Nam, tình cờ xem bộ phim Chiếc vé cuối cùng, những chi tiết trong phim đã khiến Hồng thay đổi suy nghĩ.
“Lúc hấp hối, con người thường hối hận về những điều chưa bao giờ làm, hơn là hối hận về điều đã làm. Xem phim xong, mình đã viết ra 100 điều cần phải làm trước khi chết. Trong đó có sẽ đi thăm Nhật và thăm núi Phú Sĩ. Nhảy dù mạo hiểm (Skydiving) cũng có trong danh sách 100 điều. Nhưng khi nói với mọi người, có người bảo mình dở hơi, người khác nói mình chẳng làm được đâu mà mơ mộng hão huyền”, Hồng nhớ lại.
Tấm vé đến Nhật
Lê Hồng đến Nhật như một cái duyên. Cũng giống như nhiều du học sinh, cô trải qua quá trình học tập chăm chỉ, lao động không mệt mỏi để trụ lại Tokyo. Phát triển bản thân trong lĩnh vực nhân sự, cô còn hỗ trợ nhiều đồng hương tìm việc, chuyển đổi visa và định hướng sự nghiệp.
Gần đây, khi mắc Covid-19 lần thứ 3, cô nhận ra cuộc sống này hữu hạn, mỗi người không thể biết trước được tương lai thế nào, thì tại sao không sống hết mình cho hôm nay? Sống ở Nhật, đã đi qua tất cả 47 vùng đất, vì sao không tìm cách cho mình những kỷ niệm để đời?
Đam mê trỗi dậy, Hồng lật lại 100 điều ước năm xưa. Một số điều làm được đã đánh dấu đầy tự hào, nhưng vẫn còn dở dang nhiều điều chưa làm. Ước mơ chinh phục nhảy dù mạo hiểm căng tràn lồng ngực.
Tìm người đồng hành
Skydiving được xếp vào một trong những bộ môn thể thao mạo hiểm. Các thành viên chủ chốt trong câu lạc bộ nhảy dù thường được đào tạo chuyên nghiệp và có nhiều năm kinh nghiệm. Tuy nhiên, một bộ phận người tham gia là trải nghiệm lần đầu. Vấn đề an toàn được chú trọng tối đa, nhưng vẫn có phần trăm hi hữu xảy ra sự cố ngoài ý muốn.
Chia sẻ với bạn bè, Hồng tìm được 3 người bạn có chung sở thích, rủ rỉ với nhau sẽ lập nhóm cùng đi Skydiving vào một ngày gần nhất. Tuy nhiên, sau này vì nhiều lý do, cả 3 người bạn đều hủy chuyến đi.
Sự vắng mặt của nhóm bạn khiến Hồng có chút hụt hẫng và lưỡng lự. “Khi còn trẻ, mình không có nhiều tiền để thực hiện thử thách này. Đến bây giờ công việc ổn định, tiền bạc dư dả hơn, thì thường bị những nỗi sợ bủa vây. Nhảy dù lỡ có sự cố thì sao, rồi mọi người khuyên can… Tuy vậy, khi kể với chồng, mình đã tìm được ‘đồng minh’ tham gia”.
Vượt qua nỗi sợ
Có sự ủng hộ từ ông xã, Hồng bắt đầu tìm hiểu tài liệu về bộ môn skydiving. Hai vợ chồng mày mò trên Internet, các kênh Youtube, đọc kỹ chia sẻ của những chuyên gia và người chơi giàu kinh nghiệm. Từ cách xử lý tình huống khi bung dù, ở trên không nên làm gì, cho đến phải tập luyện như thế nào để giữ tinh thần ổn định trên độ cao vài nghìn mét…
Bên cạnh đó, Hồng đăng ký lớp Skydiving Indoor tại Fly Station ở Koshigaya, Saitama. Tại đây có buồng hơi khí thổi người chơi bay lên, giúp cảm nhận áp suất khí sẽ như thế nào khi bay lên và rơi xuống thực sự trên bầu trời. “Quá trình diễn ra ngắn ngủi khoảng 2 phút, mỗi phút giá 5 sen, nhưng cho mình cảm giác rất chân thật, thú vị, muốn bay thật ngoài đời”, Hồng nói.
Để chuẩn bị cho thử thách, cô bắt đầu tôi luyện bản thân.
“Trước đây mình là người sợ độ cao. Thuở nhỏ hay trèo cây, bị ngã đau, từ đó mang theo nỗi sợ độ cao. Đi cầu thang rồi nhìn xuống cũng thấy chóng mặt”, cô nhớ lại.
Để rèn mình, Hồng chọn cách tập leo núi. Bước đầu leo những ngọn núi thấp, tập nhìn xuống và phóng tầm mắt ra xa ngắm toàn cảnh. Quá trình này tăng điều tiết mắt và cũng tạo thói quen giúp ổn định tinh thần.
“Nỗi sợ như được vỗ về và bỗng một ngày nó biết mất. Tư duy cũng thay đổi. Mình đã sẵn sàng cho thử thách”, cô cười nói.
Chinh phục ước mơ
5 giờ sáng, hai vợ chồng Lê Hồng – Hùng Tâm tỉnh dậy và bắt đầu chuẩn bị cho chuyến đi. Chọn ăn thạch năng lượng giúp cơ thể giữ sức, lại nhẹ bụng. Di chuyển tới địa điểm chỉ định, được các thành viên của CLB Tokyo Skydiving Club hướng dẫn điền thông tin cá nhân vào bản cam kết.
Trong thử thách này, CLB có nhiều gói nhảy dù với mức giá khác nhau. Vợ chồng Hồng lựa chọn gói full combo giá 6,3 man/người. Sẽ đi kèm người nhảy kèm với mình và người quay phim chụp ảnh sẽ theo sát hoạt động, ghi lại những hình ảnh, thước phim đẹp nhất. Sau khi bỏ các đồ đạc cá nhân trong người, sẽ được phát một bộ đồ nhảy dù chuyên dụng. Thiết kế bó sát và có dây nối để buộc người hướng dẫn bay với người chơi.
Thời gian chuẩn bị kỹ càng, ngoài kiểm tra các vấn đề kỹ thuật đảm bảo an toàn, nhân viên còn hướng dẫn chi tiết cách thở bằng tai để không bị ù khi áp suất không khí quá cao và độ loãng không khí lớn. Các bước xử lý tình huống, khi dù chạm đất cần đặt chân như thế nào… Đồng thời hỏi han tình trạng sức khỏe, cảm nhận của người chơi, gỡ bỏ sự hồi hộp, lo lắng và tìm cách trấn an…
Khi bước lên máy bay, cả khoang chỉ có vợ chồng Hồng là người Việt. Các nhân viên và phi công ngạc nhiên nói lần đầu họ thấy người Việt tham gia Skydiving tại đây, khiến cả hai bất ngờ.
“Trên máy bay, mình khá điềm nhiên. Khi lên tới độ cao 3.800m, những người nhiều kinh nghiệm bắt đầu nhảy dù free-style (tự do), rồi tới những người như vợ chồng mình. Lúc này nhân viên camera nhảy ra trước để quay lại toàn bộ. Ra tới cửa máy bay, cảm giác thôi chết rồi không còn đường lui nào nữa. Nỗi sợ hãi nhất bao trùm tâm trí mình”, Hồng kể.
Ở cửa máy bay, tốc độ gió khoảng 200km/giờ. Gió thổi như táp vào mặt. Chiếc kính đeo bảo vệ mắt như chực tuột ra. Gió ào vào mắt cay xè.
Sau vài giây định thần, tinh thần mạnh mẽ vụt lên. “Hồng ơi, cố lên”, cô tự động viên mình rồi nhảy xuống theo lời người hướng dẫn.
50 giây rơi tự do. Tai Hồng ù đi. Cô hít thở sâu. Đôi tay dang ra giữa không trung, như cánh chim tự do trên bầu trời. Thấy mình đang xuyên qua từng lớp, từng lớp mây trắng bồng bềnh. Cảm nhận được sức gió, nhiệt độ xung quanh đang thay đổi…
“Sự phấn khích xoẹt ngang trong não, ‘phê’ hơn rất nhiều so với lúc đi tàu lượn siêu tốc rơi từ trên cao xuống”.
Lúc này dù bung ra. Cảnh tượng đẹp tráng lệ hiện ra trước mắt.
Tokyo sầm uất với hàng trăm tòa nhà chọc trời. Bên kia là Saitama hiện đại. Phía bên này, đỉnh thiêng Phú Sĩ, niềm tự hào của Nhật Bản… Tất cả thu trọn vào tầm mắt.
Sau gần 5 phút rơi xuống, đôi chân chạm xuống thảm cỏ xanh mượt. Trái tim như muốn hét lên “Ôi mình đã làm được rồi. Đã quá!!!!”.
“Ước mơ nung nấu hàng chục năm, vài lần trì hoãn, nhiều lần bị người xung quanh ngờ vực, can ngăn, thì giờ đây đã thành hiện thực. Sung sướng vỡ òa”, Hồng nói.
Đối với cô gái trẻ này, thử thách nhảy dù mạo hiểm là cách cô đánh dấu một cột mốc quan trọng trong cuộc đời. Để sau này khi nhìn lại thước phim cuộc đời, từ lúc sinh ra, đến khi lớn lên, trưởng thành, sẽ không bao giờ thấy hối tiếc.
Cô muốn nhắn nhủ: “những người còn chần chừ, sợ độ cao hãy thử 1 lần đi. Nỗi sợ đến từ suy nghĩ hoàn toàn có thể phá bỏ. Hãy bỏ lại chiếc vỏ kén, để tung bay khám phá những điều thú vị của cuộc sống này”.