Sợ bắt chuyện với người Nhật phải làm sao?

Những ngày đầu ở Nhật, làm việc tại công ty mới, tiếng Nhật chưa giỏi, nhiều bạn muốn bắt chuyện với người Nhật nhưng không biết nên nói gì.

Mỗi buổi chiều sau ca học ở trường, Trần Ninh Phương, một du học sinh tại Niigata thường đi bộ tới combini Lawson cách ký túc xá 700 m để bắt đầu ca làm. Sau hơn 2 tháng làm tại đây, Phương đã thạo việc. Cô gái quê Hải Dương nhanh chóng nhớ tất cả mã số của các loại thuốc lá tại combini, khiến vài đồng nghiệp Nhật bất ngờ.

Thế nhưng, Phương kể, lúc mới vào làm, cũng rất bỡ ngỡ do chưa quen môi trường làm việc ở cửa hàng tiện lợi. “Nhiều lúc em muốn hỏi đồng nghiệp cùng ca nhưng không biết bắt chuyện thế nào”.

Anh Đặng Quốc Quân, một kỹ sư cơ khí đang làm việc tại Hiroshima cũng có những khó khăn tương tự trong giai đoạn đầu. “Xưởng công ty chỉ có mỗi mình là người Việt. Muốn bắt chuyện làm quen với đồng nghiệp Nhật để tiện trao đổi công việc, tiếng kém mà mình cũng nhát nữa, nên cứ lúng búng mãi”, anh nói.

Sau những ngày đầu “toát mồ hôi hột” tìm cách bắt chuyện với người Nhật, Ninh Phương đã nghĩ ra 4 câu hỏi, để mở đầu cuộc hội thoại với đồng nghiệp.

1/ Hỏi họ tên

Chủ động hỏi tên là cách mở đầu dễ dàng nhất khi đến nơi làm việc mới, gặp người Nhật. Tuy nhiên, họ tên đầy đủ của người Nhật thường khá dài và hơi khó nhớ cho người nước ngoài. Bạn có thể ghi lại và “học thuộc”.

“Nếu bạn nhớ được tên người ta, sẽ gây gấn tượng với họ lắm đấy”, Phương nhận định.

2/ Hỏi về công việc

Người Nhật trân trọng những người chịu khó học hỏi. Đi làm cùng người Nhật, dù cả hai chưa thực sự thân thiết, hãy mạnh dạn hỏi thật nhiều công việc nếu có thắc mắc. Ví dụ, chưa hiểu cách làm, muốn xác nhận xem mình đã làm đúng chưa, chưa nắm rõ quy trình công việc…

Nếu thắc mắc một vấn đề trong công việc, đừng ngại đặt câu hỏi. Ảnh: diamond.jp

“Bạn hỏi bao nhiêu cũng được. Thường người Nhật không thấy phiền nếu được hỏi. Họ cũng sẽ giải thích tận tình, tỉ mỉ. Điều đó được chào đón hơn rất nhiều so với lúc họ nói bạn cứ ‘vâng’ lấy lệ chứ chưa thực sự hiểu, sau đó lại làm sai”, anh Quân chia sẻ.

3/ Hỏi về thời tiết và đồ ăn

Đây là chủ đề đời sống rất dễ hỏi, dễ trả lời, dễ bắt đầu câu chuyện. Bốn mùa ở Nhật đều có thời tiết đặc trưng rõ rệt, với những món ăn đặc sản từng vùng miền.

Hãy thử cởi mở hỏi đồng nghiệp Nhật thích mùa nào trong năm, lý do vì sao, họ yêu thích món ăn của mùa nào…

4/ Hỏi sở thích, thói quen

Theo Phương, chủ đề này không nên hỏi trong lần gặp đầu tiên, mà hỏi khi bắt đầu đã quen biết một vài ngày hoặc một khoảng thời gian.

Ví dụ, nhìn vào đồ vật họ hay mang, dễ chú ý nhất là hộp cơm mang đi làm, bạn khen hộp đẹp, hỏi họ mua hộp ở đâu. “Em quen một bác người Nhật chỉ bằng cách hỏi mua hộp bento ở đâu”, Phương cười nói.

Những câu chuyện về sở thích thường dễ trải lòng. Ảnh: diamond.jp

Với nam giới người Nhật, chủ đề sở thích, thói quen cũng rất “được lòng”. Anh Quân cùng 2 đồng nghiệp Nhật cùng chung sở thích leo núi. Giờ giải lao thường thích chia sẻ kinh nghiệm leo núi, những nơi từng chinh phục…

Nếu bạn cũng đang “bí” để bắt chuyện với người Nhật, hãy thử mở lời bằng 4 chủ đề này nhé.

 

Scroll to Top