Nhiều người nước ngoài đuối nước tại Nhật và bài học an toàn khi bơi

Giữa mùa nắng nóng khắc nghiệt, tại Nhật Bản ghi nhận nhiều ca đuối nước tại các sông, hồ, bãi biển. Nhiều nạn nhân là người lao động nước ngoài, trong đó có Việt Nam.

Nhieu-nguoi-nuoc-ngoai-duoi-nuoc-tai-Nhat-va-bai-hoc-an-toan-khi-boi

Báo động tai nạn đuối nước tại Nhật Bản

Vào tháng 6/2025 vừa qua, hai người đàn ông Việt Nam đã bị cuốn trôi khi đi tắm tại bãi biển Katakai ở thị trấn Kujukuri, tỉnh Chiba. Tại tỉnh Fukui, một người đàn ông Myanmar đến bãi biển ở Tsuruga cũng bị đuối nước.

Những trường hợp trên không phải là thiểu số.

Theo khảo sát của Dự án Umi no Sonae thuộc Quỹ Nippon, từ ngày 1/7 đến ngày 31/8/2024, các phương tiện truyền thông Nhật Bản đã đưa tin về 229 vụ tai nạn sông nước. Trong số 265 nạn nhân thì có 172 người tử vong. Khoảng 10% số người chết đuối là người nước ngoài, với gần một nửa đuối nước ở sông và khoảng 40% đuối nước ở biển. Một số vụ tai nạn xảy ra tại các khu vực cấm bơi, do đó không có các biện pháp an toàn.

Vì sao người nước ngoài dễ bị tai nạn đuối nước tại Nhật?

Theo tờ Mainichi, trong nhiều trường hợp, người nước ngoài gặp tai nạn trên sông nước do thiếu hiểu biết về các quy định tại khu vực ven sông. Tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân duy nhất. Một lý do khác là bản thân nạn nhân không biết bơi.

Theo dữ liệu do OECD công bố năm 2019, tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên có thể tự bơi tại các quốc gia, thì 90% người Thụy Điển, Hà Lan biết bơi. Tại Nhật là 60%. Tỷ lệ này ở các nước châu Phi và châu Á nhìn chung còn thấp. Tại Việt Nam, Philippines và Indonesia khoảng 40%; Myanmar và Ấn Độ là 30%; ở Nepal chỉ ở mức 20%. Các quốc gia châu Á này đều nằm trong danh sách cộng đồng người nước ngoài lớn tại Nhật. Lý giải về tỷ lệ người trưởng thành biết bơi còn ít, việc các trường học thiếu hồ bơi hoặc do môi trường tự nhiên để mọi người có thể làm quen với nước hay không là những yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ này.

Một nhân viên người Nepal 30 tuổi tại một quán cà phê ở Nagoya, vừa đến Nhật Bản vào tháng 6, chia sẻ với tờ Mainichi Shimbun: “Tôi có kinh nghiệm bơi ở sông, nhưng không phải ai cũng làm được điều đó. Vì Nepal không có biển nên chúng tôi muốn bơi ở các bãi biển Nhật Bản”.

Biển báo cảnh báo đuối nước tại Nhật. Ảnh: Tokushima Shimbun
Biển báo cảnh báo đuối nước tại Nhật. Ảnh: Tokushima Shimbun

Đối với những người tắm biển chưa có kinh nghiệm, việc bơi ở những khu vực xa lạ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hơn nữa, Nhật Bản còn có những đặc điểm địa lý và thiên nhiên độc đáo. Dòng chảy sông ngòi phức tạp, có thể chảy xiết, không giống như dòng chảy chậm trên lục địa.

Tại tỉnh Gifu, nơi có nhiều điểm giải trí trên sông, năm 2024 có 7 người nước ngoài đã tử vong do tai nạn sông nước. Để ứng phó, chính quyền tỉnh đã tạo ra tờ rơi hướng dẫn đề phòng tai nạn đuối nước bằng 6 ngôn ngữ như tiếng Nhật, tiếng Việt, tiếng Bồ Đào Nha… liệt kê các đặc điểm của sông ngòi Nhật Bản, cũng như những điểm cần lưu ý. Mùa hè này, tỉnh đã ủy quyền cho các công ty tuyển dụng người nước ngoài, các tình nguyện viên… nỗ lực tuyên truyền thông tin về các biện pháp phòng ngừa đuối nước.

Người bơi cần lưu ý gì để đảm bảo an toàn?

GS Saitoh Hidetoshi, trường sau đại học thuộc ĐH Công nghệ Nagaoka, cũng là Giám đốc Hiệp hội Nghiên cứu Cứu hộ và Sinh tồn dưới nước, chia sẻ, người ít kinh nghiệm bơi nên kiểm tra độ sâu của sông và biển trước khi xuống tắm.

Trong số các vụ tai nạn liên quan đến người nước ngoài, một số trường hợp chết đuối ở vùng nước sâu trên các con sông khi nhìn thấy nước sông rất trong. Còn trên biển, nên cảnh giác cao tại một số vị trí sẽ có nước sâu hơn khi sóng ập vào. GS Saitoh khuyên, nếu bạn vui chơi ở sông và biển, muốn an toàn nên chọn khu vực có mực nước thấp hơn đầu gối.

Khi rơi xuống nước hoặc bị cuốn đi, hãy cố gắng giữ tư thế nằm ngửa và chờ cứu hộ thay vì cố gắng bơi, vùng vẫy. Ảnh: tosonline
Khi rơi xuống nước hoặc bị cuốn đi, hãy cố gắng giữ tư thế nằm ngửa và chờ cứu hộ thay vì cố gắng bơi, vùng vẫy. Ảnh: tosonline

Nếu có tai nạn xảy ra, hành động quan trọng nhất để bảo vệ mạng sống là cố gắng giữ tư thế nằm ngửa mặt lên trời và chờ đợi cứu hộ, thay vì cố gắng vùng vẫy. “Ngay cả khi bạn không biết bơi cũng nên làm như thế. Tốt hơn hết là đừng cố gắng bơi khi bị cuốn trôi”, GS Saitoh nói. Đây cũng là phương pháp được giảng dạy rộng rãi ở các trường tiểu học Nhật Bản, cùng với việc bơi khi mặc quần áo, như một phần của chương trình giáo dục an toàn tại nước này.

Từ năm 2011, Hiệp hội Nghiên cứu Cứu hộ và Sinh tồn dưới nước Nhật Bản đã triển khai phương pháp “nổi và chờ” tại các nước Đông Nam Á để giúp người dân tự bảo vệ mình trước hàng loạt thảm họa lũ lụt. Tổ chức này đã tổ chức các lớp học tại Philippines, Thái Lan, Indonesia và nhiều nước khác, đồng thời giảng dạy tại các trường dạy bơi cho người lớn.

Nếu bạn dự định đi bơi tại các sông, hồ, bãi biển ở Nhật Bản trong mùa hè, hãy nắm vững các quy tắc an toàn và bơi tại các khu vực được phép để bảo vệ chính mình nhé!

Scroll to Top