Tờ Mainichi cho biết, nhóm chuyên gia Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi do GS Takashi Araki, Trường Sau ĐH Đại học Tokyo đứng đầu, đã đề xuất báo cáo thay đổi một số chính sách trong Đạo luật Tiêu chuẩn Lao động. Trong đó, muốn giới hạn không cho người lao động làm việc liên tục quá 14 ngày để đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần; cũng như cần xem xét lại phương pháp tính lương làm thêm cho những người làm công việc phụ.
Về số ngày làm việc của người lao động, theo Đạo luật Tiêu chuẩn Lao động hiện hành, nguyên tắc là tối thiểu 1 ngày nghỉ mỗi tuần và các công ty có nghĩa vụ phải cho nhân viên nghỉ ít nhất 4 ngày trong 4 tuần. Tuy nhiên, nhiều người lao động được yêu cầu làm việc vào ngày nghỉ, có người làm tới 48 ngày liên tục nếu ký kết thỏa thuận quản lý lao động (thỏa thuận 36). Vì thế, theo Đạo luật đang hiện hành, hầu như không có hạn chế về thời gian làm việc liên tục.
Để đảm bảo sức khỏe cho người lao động, theo nhóm chuyên gia, quy định này cần được sửa đổi: cấm làm việc liên tục quá 14 ngày.
Về việc trả lương làm thêm giờ cho người làm thêm công việc phụ vượt quá 40 giờ/tuần, các chuyên gia đề xuất sửa đổi, cho phép người làm công việc phụ được tính lương bằng cách cộng số giờ làm việc của họ ở công việc chính và công việc phụ. Theo Đạo luật Tiêu chuẩn Lao động hiện hành, nếu người sử dụng lao động yêu cầu nhân viên làm việc ngoài giờ làm việc 8 giờ/ngày hoặc 40 giờ/tuần, họ phải ký kết Thỏa thuận 36 và trả thêm lương cho nhân viên.
Nhóm chuyên gia cho rằng, những thay đổi này nhằm đảm bảo sức khỏe của người lao động, nhưng cũng khuyến khích họ làm thêm các công việc phụ nếu muốn tăng thu nhập. Sau thời gian làm việc dài, người lao động có quyền được nghỉ ngơi một khoảng thời gian nhất định. Tại Pháp và một số nước, áp dụng “quyền ngắt kết nối”, cho phép nhân viên không không trả lời các cuộc gọi từ công ty ngoài giờ làm việc
Dự kiến các cuộc thảo luận về đề xuất mới này sẽ diễn ra tại Hội đồng Chính sách Lao động trong năm tài chính 2025.