Lác mắt do xem điện thoại – căn bệnh của xã hội hiện đại
Đã từ lâu, giới chuyên gia cảnh báo, việc sử dụng điện thoại thông minh và các thiết bị điện từ trong thời gian dài được cho là có liên quan đến chứng cận thị, nhất là ở trẻ em. Năm 2020, trong một bài giảng có tựa đề “Ánh sáng và bóng tối của điện thoại thông minh” do Hội đồng Khoa học Nhật Bản tài trợ, các chuyên gia thống kê dữ liệu cho thấy tình trạng cận thị ở trẻ em tăng gấp 3 lần tại Nhật Bản trong ba thập kỷ qua.
Bên cạnh đó, một trong những tật khúc xạ khác là lé mắt hay lác mắt vốn ít gặp, nay cũng lại ngày càng xuất hiện nhiều.
Theo một nghiên cứu do Đại học Kyoto thực hiện, cứ 50 người Nhật Bản thì có khoảng một người bị lác mắt bẩm sinh. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khi mọi người sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng và thiết bị chơi game trong thời gian dài hơn, thì tình trạng “lác mắt trong” đang gia tăng. Đây là một dạng lác mắt cấp tính do dùng thiết bị điện tử, trong đó một mắt của trẻ bị hướng về phía mũi trong khi mắt còn lại vẫn ở vị trí tự nhiên. Lý do nguy cơ lác mắt tăng cao là do người xem có xu hướng nằm và nhìn vào màn hình, mắt nhìn liên tục từ bên này sang bên kia hoặc để màn hình quá gần mắt.

Theo tờ Mainichi, xu hướng này đang trở nên đáng báo động tại Nhật Bản, nhất là kể từ sau đại dịch Covid-19 khi mọi người phải ở trong nhà, thường hay sử dụng các thiết bị điện tử hơn. GS Ono Kyoko, chuyên gia nhãn khoa Bệnh viện Đại học Y và Nha khoa Tokyo, cảnh báo, việc nhìn chằm chằm vào màn hình nhỏ trên điện thoại thông minh ở cự ly gần là “một kích thích mạnh mà mắt người chưa từng trải nghiệm trước đây”. Điều này gây nguy cơ mắc các tật khúc xạ, trong đó có lác mắt.
Năm 2018, khảo sát của Văn phòng Nội các về thời gian sử dụng Internet trung bình hàng ngày, học sinh tiểu học Nhật Bản dành 118 phút/ngày để lướt Internet, học sinh THCS là 164 phút và học sinh THPT truy cập mạng lên tới 217 phút. Khảo sát sau bốn năm cho thấy thời gian các em sử dụng Internet tiếp tục tăng cao, lần lượt với học sinh ba cấp là 214 phút, 277 phút và 345 phút, tức tăng khoảng 100-130 phút ở mỗi cấp học. Đồng thời ghi nhận 194 em mắc lác mắt cấp tính, hầu hết ở độ tuổi 5-16 tuổi.
Thực tế, việc sử dụng thiết bị điện tử được coi là quá mức là khoảng 60 phút/ngày với trẻ nhỏ và học sinh tiểu học; trên 120 phút đối với học sinh THCS và THPT.
Biện pháp chữa lác mắt do xem điện thoại quá nhiều
Những con số báo động khiến Hiệp hội Lác mắt và Nhược thị Nhật Bản cùng Hiệp hội Nhãn khoa Nhi khoa Nhật Bản đã kêu gọi các phụ huynh cần theo dõi thời gian sử dụng thiết bị điện tử của con em mình.
Với trẻ em sử dụng thiết bị điện tử quá mức, cần phải hạn chế thời gian sử dụng xuống dưới mức cho phép. Đồng thời giữ khoảng cách ít nhất 30 cm giữa mắt và thiết bị. Nghỉ 5 phút sau mỗi 30 phút xem. Những thay đổi này cần được theo dõi liên tục trong ba tháng.
Kết quả cho thấy 44% trong nhóm trẻ xem điện thoại quá nhiều đã cải thiện các triệu chứng lác mắt, nhưng chỉ có 1/4 ca trong số này được chữa khỏi hoàn toàn. Những trẻ bị lác mắt khá nặng khi được chẩn đoán hoặc những em không giảm thời gian xem thì tình trạng trở nên tồi tệ hơn.
GS Sato Miho, chuyên gia nhãn khoa thỉnh giảng tại Trường Y khoa ĐH Hamamatsu, cho biết: “Các triệu chứng lác mắt có thể dễ dàng cải thiện khi đi được chẩn đoán ở giai đoạn nhẹ. Ví dụ giảm thời gian sử dụng hoặc nhìn thiết bị ở khoảng cách xa. Các phương pháp khác như tiêm vào cơ mắt để giảm khả năng nghiêng về phía trước, hoặc phẫu thuật để thay đổi vị trí của cơ mắt cũng hiệu quả. Nhưng điều cốt lõi vẫn là phòng ngừa bằng cách sử dụng các thiết bị đúng cách”.
Các phụ huynh nên quản lý chặt chẽ thời gian con sử dụng thiết bị điện tử và đảm bảo con có thời gian vui chơi ngoài trời. Nếu con bạn gặp tình trạng lác mắt cấp tính, nên đưa bé tới các chuyên khoa mắt để được chẩn đoán kịp thời.