“Lương tay” khác gì lương thẻ?
Luật pháp Nhật Bản quy định khá chặt chẽ về quản lý các hoạt động kinh doanh và thuế. Tất cả các doanh nghiệp, cửa hàng cho đến các cá nhân kinh doanh hộ cá thể đều có nghĩa vụ khai báo về hoạt động kinh doanh, thu nhập và đóng thuế. Vì vậy, hầu hết các công ty, doanh nghiệp, cửa hàng… đều trả lương nhân viên qua thẻ ngân hàng để thuận lợi cho việc khai báo thuế.
Nhưng vẫn tồn tại một vài nơi, nhất là mô hình công ty gia đình chấp nhận trả “lương tay”, nghĩa là tiền lương được trao tay, không trả qua ngân hàng.
Lương tay có vi phạm pháp luật không?
Thực tế, nhận lương tay là hợp pháp chỉ trong trường hợp công ty, doanh nghiệp vẫn khai báo mức lương, tổng thu nhập của người lao động với cơ quan thuế. Số ít công ty nhỏ chọn hình thức này khi họ muốn giảm chi phí chuyển khoản hoặc giảm bớt thủ tục nhập dữ liệu ngân hàng. Hoặc người lao động làm việc thời gian ngắn, không cố định, số tiền lương nhỏ.
Đây được coi là “vòng kim cô” siết chặt khiến nhiều người lao động Việt muốn kiếm thêm thu nhập ngoài công việc chính theo tư cách lưu trú. Chưa kể một số loại tư cách lưu trú như thực tập sinh không cho phép người lao động làm thêm, hoặc visa du học sinh, visa gia đình bị giới hạn thời gian làm việc 28 tiếng/tuần. Điều này phát sinh “trào lưu” xin việc làm thêm nhận lương tay không báo thuế. Nói cách khác, là hình thức làm việc “chui”, vi phạm pháp luật.
Nếu cơ quan pháp luật phát hiện hành vi này, thì cả công ty thuê lao động và người lao động có thể bị bắt giam, xử lý hình sự cho hành vi trốn thuế. Hoặc bạn bị tước tư cách lưu trú, trục xuất về nước.
Hãy tỉnh táo. Đừng vì muốn tăng thêm thu nhập mà bất chấp luật pháp bạn nhé!