Nép mình trong những dãy núi cao của tỉnh Nagano, thành phố Azumino là vùng nông thôn trù phú, với những cánh đồng lúa và mù tạt trải dài. Trong tầm mắt 1 km, thay vì những tòa nhà lớn giống nhiều nơi, ở Azumino có những đỉnh núi cao phủ tuyết.
Mùa đông này, Azumino ít tuyết hơn mọi năm. Nguyễn Xuân Hào và vợ là Hoàng Thị Huế, cùng đạp xe băng băng trên con đường nhựa. Trên yên mỗi chiếc xe đạp, chở một thùng carton. Đôi vợ chồng trẻ vừa đi vừa tíu tít chuyện trò, chẳng mấy chốc đã về tới nhà.
Ngôi nhà của họ là một phòng nhỏ ở tầng 1 của căn apato do công ty thuê cho. Hào giúp vợ cởi dây chằng thùng, rồi xông xáo bê hai thùng hàng vào nhà.
Mâm cơm Tất niên đậm đà phong vị Việt
Từ một vài tuần trước, Hào – Huế đã lên kế hoạch trang trí nhà cửa đón Tết cổ truyền và nấu mâm cơm Tất niên, cùng nhau đón Tết đầu tiên về chung một nhà. Ngoài một số đồ trang trí mang từ Việt Nam sang, hai vợ chồng đến cửa hàng 100 yên mua thêm cành đào nhựa, một ít giấy gấp hoa, mành tre… Tranh thủ buổi tối và cuối tuần, cùng nhau trang trí tạo thành không gian Tết đậm chất Việt.
Huế mở thùng carton. “Mấy thứ như thịt, gạo nếp, nhiều loại trái cây, rau củ… này để em nấu cơm Tất niên. Còn một số món đặc biệt như bánh chưng, giò, chả, gà luộc, em đặt ở cửa hàng Việt Nam cách đây chừng 20 km gửi tới, giờ em đang bảo quản trong tủ lạnh”, Huế vừa cười vừa dỡ đồ trong thùng.

Đôi vợ chồng son vốn cùng quê Cẩm Giàng, Hải Dương, cùng làm trong một công ty đóng gói các linh kiện điện tử. Ở vùng núi Azumino này, họ là hai trong số chục người Việt Nam sống ở đây. Địa hình núi cao hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, khiến một số người Việt đến đây làm rồi lại rời đi.
“Chúng em cũng thấy vất vả, nhưng vẫn cố gắng bám trụ. Tất cả vì tương lai. Bao năm ở Nhật là bấy nhiêu cái Tết xa nhà. Mỗi độ Tết về, muốn trang trí nhà cửa, nấu bữa cơm Tất niên, để luôn hướng về nhà”, Hào nói rồi quay sang vợ. Cô gái trẻ rưng rưng ngấn mắt.
Mất vài tiếng chuẩn bị, đôi vợ chồng đã làm xong mâm cơm Tất niên. Hào nhanh nhẹn kê chiếc bàn ăn ra cạnh tấm mành trang trí Tết, rồi ra giúp vợ bưng các món ăn lên bàn.

Đĩa gà vàng ruộm. Mẹt xôi gấc đỏ bọc lá chuối, điểm những sợi dừa nạo trắng tinh. Xôi ngô phủ hành khô thơm nức mũi. Những chiếc nem đều tăm tắp được tô điểm bằng bông hoa cà chua đẹp mắt. Đĩa giò lụa, chả lụa cắt điệu nghệ. Bát canh mọc và rau củ nhiều màu sắc tự nhiên… “Vợ em khéo tay lắm”, chàng trai trẻ tự hào nói về vợ.
Huế cười hiền, “Chúng em ở khác xã, cũng có những món ăn khác biệt trong ngày Tết. Ví dụ, ở quê em, cơm Tết phải có bát canh củ mực. Nguyên liệu chính gồm su hào, mực khô, trứng và các loại gia vị. Để dung hòa, em chọn nấu các món đặc trưng trong ngày Tết của cả hai quê. Cùng ăn và nhớ vị quê nhà”.

Đối với Hào và Huế, sống xa nhà càng khiến mỗi người nhớ bữa cơm Tất niên “vị nhà” của mẹ. Sống ở Nhật nhiều năm, đã ăn biết bao món ngon, nhưng vẫn không sánh bằng hương vị quê nhà. “Đi xa mới càng hiểu và trân trọng những bữa cơm nhà. Bữa cơm Tất niên chứa đựng mùi vị của tuổi thơ lam lũ. Những ngày tháng Chạp bố mẹ long đong lo dành dụm mua tấm áo mới ngày Tết cho chúng em. Mùi của gió Bắc, nắng hanh, mùi của nồm ẩm. Thật không đâu bằng quê nhà”.
“Tết về buồn lắm, không được cùng cha mẹ ăn một bữa cơm Tết”
Trong căn nhà ở thành phố Tahara, tỉnh Aichi, chị Võ Mỹ Hiệp đang cùng chồng người Nhật chuẩn bị những công đoạn cuối cùng của bữa cơm Tất niên. 22 năm ở Nhật, người phụ nữ quê Vũng Tàu hầu như đón Tết Nguyên đán xa quê.
“Từ ngày có gia đình và bốn bé, mình không thường xuyên về Việt Nam được. Mỗi lần về rất tốn kém. Năm nay lại thêm một cái Tết xa nhà. Cũng chẳng nhớ đã bao năm không ăn bữa cơm Tất niên với cha, má”, giọng chị Hiệp nghẹn lại.
Để tìm lại hương vị Tết quê nhà, chị Hiệp tự tay nấu những món ăn đặc trưng trong ngày Tết miền Nam. Với gà quay, xôi, giò chả, thịt kho trứng nhuộm nước màu đẹp mắt, bát canh khổ qua nhồi thịt… Đặc biệt là món bánh tét nhân chuối. Một khay bánh kẹo và mứt Tết.

“Mình cũng nấu các món như má làm. Nhìn món ăn bày ra lại nhớ cha, nhớ má. Nỗi nhớ nhà cứ thắt ở tim. Cúng cơm Tất niên vừa nhắc nhớ mình không quên hương vị Tết Việt, vừa là cách giúp các con gìn giữ phong tục quê hương. Bốn bé đều nói tiếng Việt tốt. Các con đều hiểu: Tết đến, mình sẽ nấu các món truyền thống Việt Nam. Đứa nào cũng thích ăn bánh tét chiên”, chị Hiệp nói.

Trong văn hóa truyền thống Việt Nam, mâm cơm Tất niên bày tỏ lòng thành kính với ông bà tổ tiên, cả nhà cùng sum họp trong ngày cuối cùng của năm. Trải qua một năm vất vả, ai ai cũng mong đợi những phút giây sum họp bên gia đình, vui vầy bên mâm cơm đoàn viên. Với hàng trăm nghìn người con Việt đang lao động tại Nhật, nhiều người không thể về nhà đoàn tụ gia đình khi Tết đến Xuân về. Vì thế, tự tay nấu mâm cơm Tất niên mang hương vị quê nhà giống như một món ăn tinh thần to lớn, là động lực cho những người con tha hương thêm rắn rỏi.
Tết xa Tổ quốc, dù còn muôn vàn thiếu thốn, nhưng ở khắp nơi nơi trên thế giới này, bao người con chảy trong tim dòng máu Việt vẫn trọn vẹn giữ gìn vị Tết, hương sắc Tết, cho mình và cho muôn đời sau…