Từ giữa tháng 4, khi cánh đồng lúa xuân xanh rì, nhiều người Việt ở Nhật rỉ tai rủ nhau đi bắt ốc ruộng. Người tranh thủ bán lại cho đồng hương, có người mang về làm một bữa cải thiện. Đến giữa tháng 7, trên khắp các hội nhóm người Việt sống tại Nhật vẫn có rất nhiều bài đăng bán ốc đồng, giá 550-650 yên/kg.
Đối với người Việt sống xa quê, những món ngon từ con ốc đồng thật khó cưỡng. Chị Hoài Thu, 20 tuổi, một thực tập sinh chia sẻ, “nhìn ảnh đăng là tôi đã tưởng tượng ra đủ món, nào là ốc luộc chấm mắm sả ớt, rồi ốc om chuối đậu, bún ốc. Chỉ vài trăm yên 1 kg cũng khá rẻ, tôi đã mua nhiều lần rồi”.
Ăn ốc ruộng có an toàn không?
Vào thời điểm lúa bắt đầu đẻ nhánh, phát triển lóng thân, bạn sẽ thấy các loại ốc đá, ốc vặn cùng ốc bươu vàng phát triển mạnh trong các thửa ruộng, mương nước, thậm chí số lượng nhiều hơn ở Việt Nam rất nhiều. Lý do một phần vì đây là giai đoạn ốc có nguồn thức ăn dồi dào và điều kiện khí hậu lý tưởng để sinh trưởng tốt. Lý do quan trọng hơn là người Nhật không ăn ốc ruộng.
Nhiều người Nhật cho rằng hiện nay việc trồng lúa sử dụng nhiều hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, ví dụ như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ… Một phần các chất này thấm xuống đất, các loài sống trong ruộng lúa như ốc cũng bị nhiễm hóa chất. Nếu ăn nhiều, ăn trong thời gian dài thì những chất độc hại sẽ tích tụ trong cơ thể, nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe.
Có vi phạm luật Nhật Bản không?
Tại Nhật Bản, Luật quản lý bảo vệ chim, thú và Luật công viên thiên nhiên quy định không được phép săn bắt các loài chim trời, động vật hoang dã, động vật tự nhiên. Việc săn bắt phải được đăng ký và cấp phép theo quy định.
Về việc mò bắt ốc ở ruộng lúa, việc làm này không vi phạm luật. Tuy nhiên, nếu bạn vô tư lội ruộng, dẫm nát lúa… thì đơn vị chủ quản thửa ruộng có thể bắt đền bạn gây ảnh hưởng tới ruộng lúa.
Mong rằng bạn sẽ đưa ra lựa chọn sáng suốt nhé.