Người Việt ở Nhật trang hoàng nhà cửa đón Xuân Ất Tỵ

Fukushima những ngày cuối tháng 1 chỉ vẻn vẹn -8 độ C. Cái lạnh buốt xuyên vào da thịt. So với mọi năm tuyết trắng trời, đông này Fukushima ít tuyết. Hôm nay 27 Tết, Mạnh Tuấn rảo bước từ trang trại nuôi heo ở chân núi, nhanh nhẹn leo dốc, trở về ký túc xá để bắt tay trang trí nhà đón Tết Việt.

“Tết về không thể thiếu Quốc kỳ”

Ký túc nơi Nguyễn Mạnh Tuấn đang sống là một ngôi nhà gỗ nằm trên đỉnh núi sâu trong rừng, thuộc làng Samegawa, thành phố Iwaki, tỉnh Fukushima. Samegawa vốn là một ngôi làng nhỏ với 70% diện tích bao phủ bởi rừng. Dân số ở đây chỉ vẻn vẹn 3.000 người và có rất ít người Việt sinh sống. Tại trang trại, chỉ có Tuấn và một đồng nghiệp tên Cao là người Việt.

Bên ngoài ngôi nhà ký túc ốp trắng, màu nâu úa của rừng mùa đông trùm lên cảnh vật một màu ảm đạm. Tuyết đang dần tan. Tiếng côn trùng như bản hòa ca.

Ký túc xá nơi Mạnh Tuấn đang ở tại Fukushima. Ảnh: nhân vật cung cấp
Ký túc xá nơi Mạnh Tuấn đang ở tại Fukushima. Ảnh: nhân vật cung cấp

Đẩy chiếc cửa kéo, Tuấn cười hiền lành “chỗ bọn em ở hơi tuềnh toàng, ở lâu cũng thấy quen”. Nhà không có phòng tắm, chỉ có một bếp chung, chia thêm vài phòng ngủ nhỏ. Căn phòng của Tuấn rộng hơn chục mét vuông, không có đồ đạc gì nhiều, nhưng khá ngăn nắp, gọn ghẽ. Trên tường, lá cờ Việt Nam treo chỉnh tề, làm căn phòng như bừng sáng.

“Mình là người Việt mà, đối với em, sống xa nhà không thể thiếu Quốc kỳ. Nhìn cờ Tổ quốc là thấy rộn ràng trong tim, nhất là khi Tết đang về”, Tuấn nói.

Mạnh Tuấn sinh ra tại quê lúa Thái Bình, đã gắn bó với nước Nhật được 5 năm. Từ một thực tập sinh, đến nay theo visa kỹ năng đặc định (Tokutei Gino) ngành chăn nuôi. Tuấn đã làm tại các trang trại ở Kagoshima, rồi Hokkaido, nay là Fukushima. “Công việc vất vả, khắc nghiệt nhất là lúc lùa lợn trong thời tiết lạnh giá âm độ. Nhưng vất vả nào rồi cũng quen. Em ăn 5 cái Tết xa nhà rồi. Tết về, lòng buồn lắm, nhưng nghĩ cho tương lai của mình và gia đình, em có thêm động lực”.

Vừa tiếp chuyện khách, chàng trai trẻ vừa mở thùng carton, “Tết của em ở cả trong đây!”.

Tuấn tự tay cắm hoa, trang trí không gian Tết cho riêng mình. Ảnh: nhân vật cung cấp
Tuấn tự tay cắm hoa, trang trí không gian Tết cho riêng mình. Ảnh: nhân vật cung cấp

Thùng hàng có một ít trái cây, cành đào nhựa, hoa nhựa nhiều màu sắc, vài chai nước yến, lon bia, đèn trang trí… Sau khi rửa trái cây, Tuấn bắt đầu bày biện.

Cầm những cành đào nhựa, Tuấn nhớ lại cái Tết từ 6-7 năm trước khi còn ở Việt Nam. Ngoài 23 tháng Chạp, chàng trai Thái Bình thường cùng anh chị em đi chợ Tết, sắm sửa bánh kẹo bày lên bàn thờ. Đến 27-28 âm, sẽ đi khắp các hàng bán đào, quất ở phố huyện để chọn những cành ưng ý.

“Nhà em vốn có nghề nấu rượu, Tết là dịp bố mẹ bán đắt hàng nhưng cả nhà vẫn tranh thủ gói bánh chưng. Em thích ngồi trông nồi bánh ban đêm. Bây giờ ở Nhật rồi, cứ gần Tết cổ truyền em luôn muốn trang trí một chút để có không khí Tết cho riêng mình. Năm nay có bạn Cao cùng đón Tết, thấy bớt cô đơn hơn”, Tuấn nói.

Dưới bàn tay khéo léo của chàng thanh niên trẻ, những nhành hoa nhựa ở cửa hàng 100 yên biến thành lọ hoa rực rỡ sắc màu, dường như tươi tắn hơn bởi chan chứa tình cảm nhớ quê nhà.

Căn phòng nhỏ của Tuấn chào đón Tết Ất Tỵ. Ảnh: nhân vật cung cấp
Căn phòng nhỏ của Tuấn chào đón Tết Ất Tỵ. Ảnh: nhân vật cung cấp

Chiếc tủ nhỏ đặt giữa phòng giờ đây đã có thêm một mâm ngũ quả đẹp mắt. Với một trái bưởi xanh mọng, vài quả táo, thêm vài trái quýt và những chiếc socola hình đồng tiền vàng. Mấy hôm trước, chuối nguyên nải ở cửa hàng Việt Nam đã hết hàng, Tuấn nhờ đồng nghiệp Nhật chở lên siêu thị cách ký túc 25 km vẫn không tìm được loại nguyên nải. “Không mua được chuối, em cứ liệu bày ngũ quả, sao cho gần giống với ở quê mẹ thường làm”.

Lấy chiếc bánh chưng ở tủ đá ra, Tuấn giơ lên “em mua từ tuần trước đấy, chứ sát Tết người ta mua hết”.

Cái Tết của những người con xa nhà, nhiều khi thiếu thốn và phải theo phương châm “có gì dùng nấy”. Nhưng tận đáy lòng vẫn luôn chan chứa tình yêu dành cho những điều thiêng liêng nhất: là Tết, là quê hương, gia đình.

Những đứa trẻ đếm từng ngày đến Tết

Ba đứa trẻ 10 tuổi, 8 tuổi, 6 tuổi ríu rít bên đống đồ trang trí Tết để la liệt trên sàn. Mẹ của chúng – chị Đoàn Hậu thấy vậy liền phân công “Akira cầm giúp mẹ chữ Tết này. Còn Hoshi và Nobu cầm hai dải câu đối. Các con giúp mẹ trang trí Tết nào”.

Ba cậu bé cười toe toét, vừa sờ những đồ vật lạ lẫm vừa liên tục hỏi mẹ. “Mẹ ơi, bao giờ đến Tết Việt Nam? Khi nào con được nhận lì xì?”…

Sau hơn một tiếng, căn nhà của chị Đoàn Hậu tại Saitama đã rực rỡ màu của Tết. Trên tường phòng khách, chị treo khung rèm đỏ thẫm, chữ Tết viết theo kiểu thư pháp gắn lên cùng các loại hoa giấy, bánh chưng cắt dán thủ công. Trên chiếc bàn trải thảm hoa họa tiết xưa cũ, chị bày mâm ngũ quả, khay bánh mứt và lẵng hoa lan vàng rực.

Chị Đoàn Hậu bên không gian Tết của gia đình. Ảnh: nhân vật cung cấp
Chị Đoàn Hậu bên không gian Tết của gia đình. Ảnh: nhân vật cung cấp

Tết này là năm thứ 13 chị Hậu gắn bó với nước Nhật, cũng là 13 cái Tết xa nhà. Chỉ nhắc một chữ “Tết”, giọng chị nghẹn lại, nước mắt chực rơi.

“Nói đến Tết là lại muốn về nhà, ngồi ăn bữa cơm với ba mẹ, đoàn tụ gia đình. Nhưng vì bận lo toan, rồi 3 bé phải đi học, nên mình chưa thể về ăn Tết. Vì thế, cứ mỗi năm gần đến Tết, mình đều cùng các con trang trí nhà cửa. Các con mang một nửa dòng máu Việt, nên mình luôn đau đáu làm thế nào để giữ truyền thống Việt cho con”, chị Hậu chia sẻ.

Ba đứa trẻ đã hiểu về Tết. Chúng hào hứng giúp mẹ trang trí không gian Tết. “Gần tới Tết là nhắc mẹ, hỏi mẹ Tết năm nay trang trí gì, mẹ sẽ nấu món nào, có bánh chưng, bánh tét, nem rán không…”.

Khi được hỏi điều gì khiến các con mong chờ nhất vào dịp Tết, cả ba đứa trẻ đều đồng thanh: “dạ lì xì”.

Đối với những đứa trẻ gốc Việt, dù sống ở đâu, Tết vẫn luôn được mong chờ.

Tết là nhớ về cội nguồn – dù sống ở bất kỳ đâu

Cách Saitama vài trăm km về phía Tây, tại thành phố Azumino, tỉnh Nagano, Hoàng Thị Huế cùng chồng là Nguyễn Xuân Hào cũng đang tất bật trang trí căn phòng apato chào Tết Ất Tỵ. Lên duyên từ mối lương duyên làm việc cùng công ty linh kiện điện tử, lại là đồng hương Hải Dương, đây là cái Tết đầu tiên đánh dấu hai bạn trẻ về chung một nhà.

Vợ chồng Nguyễn Xuân Hào - Hoàng Thị Huế. Ảnh: nhân vật cung cấp
Vợ chồng Nguyễn Xuân Hào – Hoàng Thị Huế. Ảnh: nhân vật cung cấp

Từ vài tháng trước, khi Hào – Huế về Việt Nam tổ chức lễ cưới, cả hai đã lên kế hoạch về cách bài trí không gian Tết 2025. Thành phố Azumino này ít người Việt sinh sống, địa hình lòng chảo, xung quanh chủ yếu là núi cao đặc trưng của Nagano. Nên việc mua sắm vật dụng trang trí Tết khá khó khăn. Cửa hàng Việt Nam cách nơi ở của hai vợ chồng chừng 20 km. Vì thế, Huế bàn với chồng mua một số đồ trang trí theo chủ đề, một ít bánh kẹo Việt mang sang Nhật.

Từ hai tuần trước Tết, tranh thủ những ngày nghỉ, hai vợ chồng Huế cùng đạp xe tới cửa hàng 100 yên, mua thêm một số đồ trang trí.

Giữa phòng khách apato, Hào treo một chiếc mành tre lớn, gần giống loại mành tre của Việt Nam. Hai vợ chồng cùng gấp hoa giấy, chủ yếu theo tông màu đỏ, rồi lấy keo nến gắn lên mành tre. Mâm ngũ quả và bánh trái cũng được Huế chăm chút và trang trí tỉ mỉ.

Không gian Tết Việt tại gia đình vợ chồng Hào - Huế ở tỉnh Nagano. Ảnh: nhân vật cung cấp
Không gian Tết Việt tại gia đình vợ chồng Hào – Huế ở tỉnh Nagano. Ảnh: nhân vật cung cấp

Ngắm nhìn không gian Tết đậm chất Việt, Huế xúc động, vội lấy tay gạt nước mắt. Hào thấy vậy liền đỡ lời cho vợ. “Cứ gần Tết vợ em càng nhớ nhà nhiều. Hồi xưa ở quê, cứ gần Tết là mọi người trong thôn xã lại rủ nhau treo đèn nháy, đèn lồng rực rỡ. Bọn thanh niên chúng em cùng đi đấu điện, giăng đèn, vui ơi là vui. Giờ ở Nhật không có đủ điều kiện chuẩn bị Tết kỹ lưỡng, hai vợ chồng em thích trang trí, để giữa bầu trời nước Nhật, ở một khoảnh khắc nào đấy, mình có thể nhớ về cái Tết cổ truyền, cũng là tự nhắc mình không được quên nguồn cội”, Hào nói.

Tình cảm hướng về quê hương, nơi chôn rau cắt rốn của Huế, Hào, Hậu hay Tuấn là nỗi lòng chung của hàng triệu người con Việt đang bôn ba tại nước ngoài. Dù sống ở đâu, dù công việc khác nhau, mỗi người đều mang trong tim tình yêu da diết với Việt Nam, cùng trân trọng và lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của người Việt, cho hôm nay và mai sau.

Scroll to Top