Người Việt gói bánh chưng đón Tết Nguyên đán 2025 tại Nhật

Sáng sớm một ngày cuối tháng Chạp, anh Nam Cường mở cửa, thấy đám cây trước nhà ríu rít lũ chim gọi bạn. Anh ngoái đầu vào nói với vợ đang lúi húi lau lá dong chuẩn bị gói bánh chưng, “nghe chim hót ngỡ mùa xuân đang về”. Anh lấy mấy chiếc đèn lồng mini mang từ Việt Nam sang, treo lên cây mận trước nhà. Tết đang về.

Tết về không thể thiếu bánh chưng

Căn nhà nhỏ của vợ chồng anh Đỗ Nam Cường và vợ Nguyễn Thị Phương tại thành phố Takahama, tỉnh Aichi, rực rỡ màu của Tết. Phòng khách bày mâm ngũ quả đặc trưng của miền Bắc, các chậu hoa khoe sắc thắm. Bé Nghé, con gái 3 tuổi của anh chị, mặc áo dài, đang nhún nhảy theo các giai điệu Tết, vừa hát bi bô “Tết, Tết, Tết…”.

Vợ chồng anh Đỗ Nam Cường – Nguyễn Thị Phương và những góc nhỏ rực rỡ màu của Tết. Ảnh: nhân vật cung cấp

Chị Phương đã chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu để gói bánh chưng. Bó lá dong xanh tươi rói, dăm cân đỗ xanh, lá nếp… mua tại các cửa hàng thực phẩm Việt từ vài ngày trước. Gạo nếp, thịt heo mua ở siêu thị Nhật.

“Đêm qua em xay lá nếp, chắt lấy nước cốt để ngâm cùng gạo, sẽ tạo ra màu xanh tự nhiên cho bánh chưng. Em cũng ngâm sẵn đỗ xanh. Rửa lá dong”, chị Phương nói.

Chị Phương chuẩn bị các nguyên liệu chính để gói bánh chưng. Ảnh: nhân vật cung cấp
Chị Phương chuẩn bị các nguyên liệu chính để gói bánh chưng. Ảnh: nhân vật cung cấp

Hàng chục năm trước, cộng đồng người Việt tại Nhật còn ít và thiếu các cửa hàng thực phẩm Việt, là khó khăn cho người lao động ở đây muốn gói bánh chưng, bánh tét đón Tết. Vài năm trở lại đây, khi người Việt trở thành cộng đồng người nước ngoài đông đảo hàng đầu tại Nhật, các cửa hàng Việt mọc lên khắp các thành phố trải từ Bắc xuống Nam. Họ đón đầu xu thế, liên tục nhập về các thực phẩm tươi và khô, phục vụ nhu cầu cho bà con, nhất là trong dịp Tết. Vì thế, giờ đây người Việt tại Nhật có thể dễ dàng mua lá dong, lá nếp, đỗ xanh… gói bánh chưng đón Tết.

“Chồng em xa nhà 13 năm, em cũng có 8 năm ở đây. Cứ Tết về, lại nhớ gia đình nhiều hơn. Nhớ vị quê nhà và bánh chưng. Trước kia còn độc thân, em thường đón Tết với bạn. Gần hai năm nay, bọn em mua nhà riêng, đều tự gói bánh chưng. Giờ các cửa hàng Việt Nam cũng bán nhiều bánh chưng, nhưng em vẫn thích tự gói. Để tìm lại ký ức và hương vị bánh chưng của nhà mình, cũng là muốn giữ văn hóa Tết Việt cho con gái”, chị Phương giãi bày.

9 giờ sáng, tiếng chuông cửa bính bong. Anh Cường nhìn ra sân, thấy xe của người thân và bạn bè đỗ trước cửa. “Nhà em rủ mọi người cùng gói bánh chưng cho vui”, nói rồi anh mừng rỡ chạy ra mở cửa đón khách.

Đồng hương cùng chung vui gói bánh chưng

Chị Khánh Phương, chị gái của anh Cường, tới cùng chồng và con trai. “Nhà em đã gói bánh chưng rồi, nay qua đây giúp cậu mợ gói bánh đón Tết”.

Anh Cường đã trải sẵn một chiếc bạt lớn ở phòng khách. Vài người bạn giúp chị Phương bê các nguyên liệu ra phòng khách. Gần hai chục người quây quần. Những gương mặt hớn hở, tiếng nói cười râm ran. Người lau lá dong, người cắt dây nilon, ướp thịt, nắm đỗ… Mọi người bắt tay gói bánh chưng, thứ bánh truyền thống của dân tộc Việt trong ngày Tết.

Người thân và những người bạn giúp gia đình anh Cường, chị Phương gói bánh chưng. Ảnh: nhân vật cung cấp
Người thân và những người bạn giúp gia đình anh Cường, chị Phương gói bánh chưng. Ảnh: nhân vật cung cấp

Để có chiếc bánh chưng vuông vắn, anh Dũng, người bạn của gia đình, nảy ra sáng kiến dùng bìa carton cứng chế thành 4 chiếc khuôn đẹp mắt. Đôi tay anh Dũng, anh Giáo thoăn thoắt gói bánh. Thấy con gái Ngọc Bích, 16 tuổi, loay hoay buộc bánh, anh Giáo cười xòa, chỉ cho Bích cách làm.

“Quê mẹ em ở Hưng Yên thường gói đòn bánh tét. Nay lần đầu em gói bánh chưng. Mới cũng thấy khó, nhưng gói vài lần thấy quen tay, rất thú vị”, Bích cười. Những đặc trưng vùng miền, phong tục đón Tết khác biệt cũng nhanh chóng trở thành chủ đề được mọi người hào hứng thảo luận.

Anh Cường, chị Phương bên những chiếc bánh chưng xanh đẹp mắt. Ảnh: nhân vật cung cấp
Anh Cường, chị Phương bên những chiếc bánh chưng xanh đẹp mắt. Ảnh: nhân vật cung cấp

Không khí đoàn viên khiến chị Hà Phương xúc động, nhớ về những cái Tết xưa. “Ngày em còn bé, gia đình khó khăn. Tết về mới được mua quần áo mới, ăn bánh chưng và các món ngon. Giờ ở Nhật, dịp Tết được cùng mọi người gói bánh chưng và hàn huyên những câu chuyện Tết, em cũng thấy ấm lòng”.

Bé Tô, 4 tuổi, chạy lon ton, lúc đòi cầm lá dong, lúc ôm những chiếc bánh chưng vào lòng. “Tô có thích bánh chưng không?”, chị Khánh Phương hỏi. Cậu bé gật đầu cười, ôm chặt chiếc bánh vào lòng.

Bé Nghé (trái) và bé Tô thích thú ôm bánh chưng. Ảnh: nhân vật cung cấp
Bé Nghé (trái) và bé Tô thích thú ôm bánh chưng. Ảnh: nhân vật cung cấp

Sau gần hai tiếng, gần hai chục chiếc bánh chưng xanh đã gói xong. Anh Cường lấy trong tủ ra một chiếc nồi to, cùng chị gái xếp bánh vào nồi. Không có bếp củi như ở quê, vợ anh đã chuẩn bị sẵn bếp gas mini để luộc bánh. Ngọn lửa bập bùng, thi thoảng cơn gió lùa, vờn ngọn lửa, khiến nồi bánh lâu sôi hơn.

Mọi người chung vui bên mâm cơm cuối năm trong khi chờ bánh chưng chín. Ảnh: nhân vật cung cấp
Mọi người chung vui bên mâm cơm cuối năm trong khi chờ bánh chưng chín. Ảnh: nhân vật cung cấp

Trong khi chờ 8 tiếng bánh chưng mới chín, anh Cường, chị Phương mời mọi người ở lại ăn bữa cơm Tất niên. “1, 2, 3, zô. 1, 2, 3, uống”, những thanh âm quen thuộc vang lên. Mùi bánh chưng bay thoang thoảng. Hàng chục gương mặt rạng rỡ cùng hướng về Tết Việt.

Scroll to Top