Mỹ khởi động cuộc chiến thuế quan mới
Theo hãng tin AP, ngày 2/4, Tổng thống Donald Trump công bố mức thuế quan mới áp dụng với khoảng 60 đối tác thương mại của Hoa Kỳ, bắt đầu từ 9/4. Hàng hóa từ Trung Quốc sẽ chịu thuế 34%. Đồng minh thân cận là Nhật Bản cũng không nằm ngoài, với mức áp thuế 24% khi nhập khẩu vào Mỹ. Hàng hóa thuộc Liên minh châu Âu (EU) chịu thuế 20%. Đáng chú ý, ngưỡng thuế dành cho hàng hóa Việt Nam lên tới 46%.
Chính quyền của ông Trump cũng áp dụng mức thuế cơ bản 10% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia, kể từ ngày 5/4. Chưa kể chính sách thuế mới còn áp dụng riêng với một số ngành. Như mức thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu áp dụng từ ngày 3/4. Đồng thời cũng siết thuế mở rộng đối với thép và nhôm lên 25%. Ông Trump còn có kế hoạch áp dụng thuế nhập khẩu riêng đối với chất bán dẫn, dược phẩm, gỗ xẻ, chip máy tính, đồng và các khoáng sản quan trọng khác.
Nhà Trắng đánh giá, thuế quan và tình trạng mất cân bằng thương mại đã khiến nước này mất 1,2 nghìn tỷ USD vào năm ngoái. Vì vậy, chính sách mới này sẽ giúp thúc đẩy sản xuất trong nước, hứa hẹn mang lại thêm hàng trăm tỷ USD doanh thu thuế và khôi phục sự công bằng cho thương mại toàn cầu.
Thế giới có thể lui vào suy thoái
Ngay sau động thái tăng thuế nhập khẩu của Mỹ, nhiều nước dự kiến sẽ đáp trả bằng các biện pháp đối phó. Các nhà lãnh đạo châu Âu bày tỏ thất vọng trước quyết định áp thuế quan mới nhất của ông Trump. Đồng thời cảnh báo Mỹ: cuộc chiến tranh thương mại sẽ chỉ làm tổn hại cho người tiêu dùng và không có lợi cho cả hai bên.
Tờ AP bình luận, thuế cao hơn áp lên hàng hóa nhập khẩu sẽ khiến các mặt hàng thiết yếu như quần áo, ô tô, sản phẩm gia dụng… trở nên đắt đỏ hơn, tạo áp lực lớn cho chính người dân Mỹ, nhất là tầng lớp trung lưu. Đồng thời cuộc chiến thuế quan mới do Mỹ khơi lên có thể đẩy trật tự toàn cầu đến điểm tan vỡ, phá vỡ các liên minh vốn được xây dựng trên cơ sở đảm bảo hòa bình và ổn định kinh tế.
“Thuế quan mới của Hoa Kỳ đạt đến mức cao chưa từng thấy kể từ Đạo luật Thuế quan Smoot-Hawley năm 1930 – đạo luật đã kích động cuộc chiến thương mại toàn cầu và làm trầm trọng thêm cuộc đại suy thoái ở thời kỳ đó”, theo Scott Lincicome và Colin Grabow thuộc Viện Cato, một nhóm nghiên cứu độc lập.
Hãng tin Reuters cũng nhận định, các biện pháp trừng phạt dồn dập của ông Trump sẽ dựng lên các rào cản mới cho chính nền kinh tế tiêu dùng lớn nhất thế giới và làm đảo ngược hàng thập kỷ tự do hóa thương mại vốn đã định hình trật tự toàn cầu.
Chuyên gia Olu Sonola, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế Hoa Kỳ tại Fitch Ratings, cho rằng “Nhiều quốc gia có khả năng sẽ rơi vào suy thoái sau đòn thuế quan nặng nề này”.
Thị trường đổ xô mua đồng yên
Mức thuế 24% áp lên hàng hóa Nhật Bản và nhất là áp thuế tới 25% lên ngành ô tô, thép và nhôm là đòn giáng mạnh vào Nhật Bản, nền kinh tế với mũi nhọn xuất khẩu và thị trường Hoa Kỳ từ lâu đã là đối tác lớn tin cậy. Thị trường tài chính Nhật Bản lập tức có phản ứng sau thông báo của Hoa Kỳ.
Ngay trong sáng nay 3/4, chứng khoán Nhật Bản mở cửa phiên giao dịch giảm 1.435,35 điểm trong 15 phút đầu phiên, tương đương giảm 4,02%, xuống còn 34.290,52. Lúc 9 giờ 10 phút, chỉ số Nikkei 225 giảm thêm, giảm tới 1.578,57 điểm. Chỉ số Topix cũng giảm 106,08 điểm, tương đương 4%, ở mức 2.544,21. Các mã chứng khoán của tất cả các ngành đều quay đầu giảm, nhất là nhóm ngành ngân hàng, chứng khoán và kim loại màu.
Tuy vậy, thị trường chứng kiến lực mua mạnh với đồng yên, vốn được coi là kênh tài sản trú ẩn. Các nhà đầu tư muốn tìm kiếm sự an toàn đã tăng mua đồng yên. Vào lúc 9h sáng theo giờ Nhật, đồng yên giao dịch ở mức 147,88-89 yên đổi 1 USD, tăng mạnh so với ngày hôm trước (149,30-40 yên/USD tại New York và 149,65-67 yên/USD tại Tokyo lúc 5 giờ chiều ngày 2/4).
Ông Kamakshya Trivedi, trưởng bộ phận chiến lược toàn cầu về ngoại hối, lãi suất và thị trường mới nổi của Goldman Sachs dự báo, đồng yên có thể tăng mạnh khi chính sách thuế quan mới của Mỹ đe dọa kinh tế toàn cầu. Yên Nhật sẽ trở thành kênh trú ẩn hấp dẫn nhất trước nguy cơ suy thoái. “Đồng yên có không gian để tăng giá khi thị trường đang tăng xác suất xảy ra suy thoái”, ông nói.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản dự kiến sẽ tổ chức cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày từ 30/4, để quyết định có điều chỉnh tăng lãi suất thêm hay không.