Đồng hành cùng người lao động Việt
Cơn mưa rào giữa đêm mùa hè khiến Ngô Thùy Linh tỉnh giấc, trước khi tiếng chuông hẹn báo thức reng lên. Hôm nay Linh phải dậy lúc 5 giờ sáng để kịp ra sân bay đón các bạn thực tập sinh từ Việt Nam sang. Với cô gái 29 tuổi, làm Quản lý thực sinh cho một nghiệp đoàn tại Ibaraki tuy có chút vất vả, nhưng đã trở thành công việc gắn bó với cô suốt gần 3 năm qua.
“Mệt mỏi sẽ tan biến khi em nhìn thấy các bạn vừa đáp chuyến bay. Những gương mặt phấn khởi, mừng vui khi bắt đầu một trang cuộc đời mới tại đất nước mới, mà vừa có chút bỡ ngỡ, lo lắng, giống như em ngày đầu đến Nhật”, Linh chia sẻ.
Sau khi tốt nghiệp một trường Senmon, Thùy Linh ứng tuyển vào công việc Quản lý thực tập sinh. “Bản thân mới ra trường, tiếng Nhật còn chưa phải trình độ cao nên lúc đầu em đã gặp không ít khó khăn khi nghe hiểu và thông dịch. Tuy nhiên, do đây là công việc đòi hỏi giao tiếp nhiều, đã giúp em học hỏi và rèn luyện nhiều kỹ năng tốt”, cô cho biết.
Nghề “làm dâu trăm họ”
Quản lý thực tập sinh sẽ là đại diện cho nghiệp đoàn, đóng vai trò kết nối giữa nghiệp đoàn và thực tập sinh, giúp họ nhanh chóng bắt nhịp với cuộc sống mới, nắm được những quy tắc khi sinh sống và làm việc tại Nhật Bản. Thông thường, vị trí này cần tiếng Nhật N2, một số nghiệp đoàn yêu cầu thêm cần có bằng lái ô tô.
Phần việc cơ bản nhất của công việc này là sẽ làm phiên dịch viên tiếng Nhật cho các bạn thực tập sinh, thường xuyên kiểm tra, thăm hỏi để giúp đỡ, hỗ trợ họ làm quen nhanh chóng với môi trường tại nơi làm việc và ký túc xá. Cũng như thay mặt công ty để giải đáp các thắc mắc, vấn đề phát sinh của các bạn. Đồng thời quản lý, hoàn thành các hồ sơ, giấy tờ theo yêu cầu của nghiệp đoàn.
Theo Thùy Linh, nghề này được đánh giá khá vất vả, nhưng không thể phủ nhận chính công việc này tạo điều kiện cho cô cơ hội phát triển nhiều kỹ năng. Phiên dịch, biên dịch liên tục nên trau dồi vốn từ vựng tốt hơn, khả năng nói tiếng Nhật tự nhiên hơn so với chỉ học từ sách vở.
“Sau thời gian dài, em cũng học được kỹ năng quan sát, nắm bắt tâm lý, rèn luyện kỹ năng quản lý nhân sự, giải quyết tình huống linh hoạt hơn. Hơn nữa, tiếp xúc với những người lao động tại xưởng giúp em thấy được những mặt sáng tối của xã hội Nhật”, Linh nói.
Tuy nhiên, do đóng vai trò là người đứng giữa, người quản lý thực tập sinh không tránh khỏi những trường hợp được lòng bên này, mất lòng bên kia, vô cùng khó khăn.
“Năm đầu, thực tập sinh thường rất chăm chỉ, nhưng từ năm thứ 2 trở đi, một số bạn có tâm lý chủ quan, gây nhiều rắc rối. Không ít lần em phải hứng chịu nhiều lời nặng nhẹ từ nghiệp đoàn, xí nghiệp, giống như chịu mắng thay cho thực tập sinh, khiến em rất stress”, Thùy Linh bộc bạch.
Bên cạnh đó, một số vấn nạn như trộm cắp, gây gổ đánh nhau, mâu thuẫn giữa các thực sinh trong ký túc xã… cũng cần đến Quản lý thực tập sinh đứng ra giải quyết. Tuy vậy, theo cô, khi tiếp xúc với các bạn rồi mới thấy thương và đồng cảm, vì mỗi người đều có hoàn cảnh riêng. Mọi người phải xa nhà 3 năm, bươn chải nơi đất khách quê người, sống và làm việc trong môi trường Nhật quá khác biệt với quê nhà là điều không hề dễ dàng cho các bạn. Cho dù chuyện gì xảy ra đi chăng nữa thì xuất phát điểm của họ là muốn sang Nhật kiếm tiền cho gia đình để có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Khi được hỏi về kế hoạch tương lai, cô vẫn muốn gắn bó với nghề Quản lý thực tập sinh, công việc đem lại những kiến thức, kỹ năng giao tiếp và trải nghiệm xã hội quý giá. “Hơn nữa do tính chất cầu nối trực tiếp giữa người lao động Việt và công ty Nhật, nên em có cảm giác đang góp sức giúp đỡ trực tiếp cho người Việt và doanh nghiệp Nhật”, Linh cười.