Làm baito quán ăn cũng “trầy da tróc vảy”

Quân được xếp đứng rửa bát suốt 6 tiếng. Máy rửa xong, anh lấy chồng bát đĩa nóng ran ra, xếp chồng lên nhau để đầu bếp liên tục sử dụng. Lắm lúc làm sai, bị la mắng, đã có lúc anh muốn bỏ việc.

Không trụ được sau vài buổi làm

Hoàng Quân, 20 tuổi, một du học sinh mới sang Nhật được 4 tháng. Cũng như hầu hết các du học sinh trường tiếng, anh cần một công việc baito trang trải chi phí sinh hoạt đắt đỏ. Được người quen giới thiệu vào làm thêm tại quán tempura, Quân mừng rỡ chưa được bao lâu, vì trong ngày đầu tiên đi làm, anh đã gặp nhiều khó khăn.

“Làm quán cần trình độ giao tiếp tương đối tốt. Như em N3 còn hơi yếu, không giao tiếp tốt. Em được giao việc rửa bát và phụ việc trong bếp. Đứng rửa bát cả buổi muốn sụn cái lưng. Rồi người ta nhờ lấy đĩa thì em bị cuống lên lại đưa nhầm cái bát, lúc thì họ lắc đầu ngán ngẩm, có khi còn chửi em này nọ. Em buồn bực lắm, nhưng không hiểu hết lời quát mắng, cũng không biết phải nói lại thế nào”, Quân nhớ lại.

Cùng vào làm một thời điểm với anh còn có một bạn nam người Nepal, nhưng đã xin nghỉ sau 1 tuần. Anh cho biết, cũng từng muốn nghỉ làm, nhưng nghĩ lại, nếu bỏ việc giữa chừng chỉ vì vài lời mắng mỏ, thì bản thân cũng chưa đủ mạnh mẽ để đương đầu với khó khăn. Anh muốn cố gắng vượt qua nó.

Baito quán ăn không phải công việc “dễ như ăn bánh”. Ảnh: Kinapi

Tìm cách thích nghi

Sau vài đêm trằn trọc, Quân hiểu rằng, điều cốt lõi nhất là tiếng Nhật phải thành thạo hơn, đủ để giao tiếp với mọi người trong bếp một cách rành mạch, rõ ràng. Sau giờ học ở trường và giờ làm ở quán, anh thức đêm cày tiếng. Trong giờ làm, cố gắng bắt chuyện với mọi người để trau dồi tiếng Nhật.

Bên cạnh đó, anh tận dụng khoảng thời gian đó hỏi thật nhiều, học thật nhanh, cố gắng ghi nhớ những điều được dạy và những điều đã hỏi. Luôn mang theo một quyển sổ tay nhỏ và một cây bút ghi lại những gì được dạy, để lần sau quên có thể mở ra xem lại.

Thấy chàng trai Việt tiến bộ trông thấy, người quản lý quán đã khen động viên và sắp xếp cho Quân phục vụ bàn. Thường gồm những đầu việc như nghe khách gọi món và ghi chép lại, báo đơn với nhà bếp, chuẩn bị đồ uống rồi đem cho khách, mang món ăn khách gọi ra bàn, thu dọn đĩa ăn, tính tiền tại quầy…

Trong giờ làm việc, quán quy định không được “nói chuyện phiếm” với khách nên Quân thường chỉ nói những câu cơ bản trong sách hướng dẫn của quán. Tuy nhiên, khi làm việc với quản lý và các anh chị đồng nghiệp, anh có nhiều cơ hội nâng cao tiếng Nhật.

“Vào ngày nghỉ định kỳ, có lúc anh chị nhân viên rủ cùng nhau đi nhậu, ăn uống và trò chuyện rất thân thiện. Làm việc ở quán ăn có lẽ là trải nghiệm không thể nào quên với mình khi sống tại Nhật”, Quân cười nói.

Scroll to Top