Site icon DCOM – Ngôi nhà Nhật Bản

Kinh nghiệm cho con học kiếm đạo Kendo tại Nhật

Môn võ cổ truyền của người Nhật

Kiếm đạo (剣道 – Kendo) là một môn võ thuật, hay còn gọi là võ đạo của Nhật Bản. Bắt nguồn từ kiếm thuật truyền thống, môn võ này biểu hiện sức mạnh thể chất và cả tinh thần.

Thời xa xưa, Kendo chỉ sử dụng trong tầng lớp samurai và chiến binh. Ngày nay, kiếm đạo dần được hiện đại hóa, trở thành hoạt động thể thao phổ biến dành cho tất cả mọi người, từ trẻ em, tới sinh viên, người lớn tuổi yêu thích bộ môn này. Kendo cũng phổ biến rộng rãi tại nhiều quốc gia, giải vô địch thế giới được tổ chức 3 năm một lần.

Tìm hiểu lịch sử, kỹ năng và các yếu tố của Kendo cũng là một cách khám phá sâu sắc về văn hóa truyền thống Nhật Bản. Kiếm đạo đã trở thành bộ môn rèn tính kỷ luật và đào tạo nhân cách. Các yếu tố chính được Liên đoàn Kiếm đạo Nhật Bản đẩy mạnh bao gồm việc trau dồi tinh thần mạnh mẽ, lòng chân thành, lễ nghĩa, danh dự và cải thiện bản thân. Những điều này giúp con người nâng cao ý thức cống hiến cho xã hội, yêu mến cộng đồng và thúc đẩy hòa bình thế giới.

Lan tỏa Kendo trong môi trường học đường

Tại các trường cấp 2, cấp 3 ở Nhật, hầu hết đều đưa Kendo vào danh sách các môn thể thao võ truyền thống 部活. Ngay cả nhiều trường tiểu học cũng có các câu lạc bộ Kendo.

Kendo thu hút nhiều bé cả trai lẫn gái tham gia. Ảnh: ekiten

Chị Hồng Nhung là mẹ của một bé trai 8 tuổi đang theo học kiếm đạo được hơn 1 năm thuộc câu lạc bộ Kendo một trường tiểu học ở Saitama. Nói về lý do chọn Kendo cho con, chị Nhung chia sẻ, ban đầu muốn rèn con tính kỷ luật. “Bé nhà mình hiếu động lắm. Trong buổi học thử, con mặc thử bộ đồ, cầm kiếm gỗ, trông ‘ngầu’ quá nên con thích lắm”.

Những ưu điểm khi trẻ học Kendo

Theo chị Nhung, Kendo đúng nghĩa là một môn võ, ngoài việc tập luyện nâng cao thể lực cho các bé, còn rèn tinh thần, lễ nghĩa và chữ “nhẫn”.

“Về nhà cuối ngày con còn phải viết nhật ký của buổi tập xem đã học được gì. Thỉnh thoảng các anh lớn hơn sẽ chấm bài viết nhật ký của các em để dạy các em cách dùng từ, cách giao tiếp với người bậc trên”, chị Nhung nói.

Các bé học Kendo sẽ được rèn luyện kỷ luật, lễ nghĩa. Ảnh: kendoyawata

Một số khó khăn

“Tập kendo có vất vả không?”, theo chị Nhung, là khá vất vả, nhất là với các bé gái. “Kể cả bé trai nhà mình nhiều khi tập luyện vất vả, khóc đòi bỏ. Nhưng sau mỗi lần thi đấu thắng hoặc đi giao lưu được cúp là con được tiếp thêm nhiều năng lượng”, chị Nhung chia sẻ.

Bộ đồ tập nặng là trở ngại với các bé nhỏ tuổi. Ảnh: tenri-kendo

Tuy vậy, chị Hồng Nhung cho rằng môn Kendo vẫn nhiều ưu điểm hơn cả. “Trước đây con mình làm gì cũng nhanh nản. Hơn 1 năm nay theo Kendo, bé làm gì cũng kiên nhẫn hơn đáng kể. Lúc nào con cũng nhanh nhẹn, vui vẻ, đó là điều mình mừng nhất”.

Exit mobile version