Lễ hội Nhật Bản luôn mang đến những trải nghiệm văn hóa sâu sắc đối với bất kỳ ai muốn tìm hiểu thêm về Nhật Bản và người dân nơi đây. Đối với những người thích phiêu lưu, những lễ hội kisai – lễ hội có nghi lễ kỳ lạ hoặc khác thường luôn có những nét hấp dẫn riêng. Hãy cùng khám phá 10 lễ hội kỳ lạ nhất mà bạn có thể tìm thấy ở Nhật Bản nhé!
1/ Lễ hội Somin-sai (蘇民祭)
Địa điểm: Đền Kokusekiji, 17 Yamauchi, Kuroishi-cho, Mizusawa-ku, Oshu-shi, tỉnh Iwate
Somin-sai là “lễ hội đàn ông khỏa thân và lửa”, hay “lễ hội khỏa thân”. Sự kiện này có lịch sử hơn 1.000 năm và là một trong những truyền thống nổi tiếng nhất ở vùng Tohoku, nằm ở phía Bắc Nhật Bản.
Được tổ chức vào đầu tháng 2, thời điểm lạnh giá nhất trong năm, tại lễ hội Somin-sai, những người đàn ông chỉ mặc fundoshi (khố) đến đền Kokuseki ở Mizusawa, tỉnh Iwate. Cùng thử sức bền của mình bằng cách đi bộ qua những cung đường băng giá khó khăn từ đền đến sông Ruritsubo đóng băng. Nhiệm vụ của họ là xô đẩy những người đàn ông khỏa thân khác để giành được chiếc somin bukuro (túi thiêng) quý giá. Vật này được cho là sẽ mang lại cho họ sức khỏe và hạnh phúc trong suốt cả năm.
2/ Lễ hội Dorome Matsuri (どろめ祭り)
Địa điểm: Akaoka-cho, Konan-shi, tỉnh Kochi
Lễ hội được tổ chức tại tỉnh Kochi, giống như một cuộc thi “đấu rượu”. Các loại nihonshu (rượu sake Nhật Bản) nổi tiếng đều hội tụ tại đây. Những người tham gia là nam giới sẽ được trao một chiếc bát lớn chứa 1,8 lít rượu sake. Nếu phụ nữ nhập cuộc, sẽ được trao một chiếc bát nhỏ hơn, khoảng 0,9 lít rượu. Cả hai bên đều được mời uống hết. Người có thể uống nhiều nhất và nhanh nhất sẽ được tuyên bố thắng cuộc và được cho là sẽ luôn gặp may mắn trong cả năm.
3/ Lễ hội Onbashira Matsuri (御柱祭)
Địa điểm: 1 Nakasumiyayama, Suwa-shi, tỉnh Nagano
Lễ hội này được gọi là “lễ hội trụ cột vĩ đại”, được tổ chức tại đền Suwa Taisha, tỉnh Nagano trong suốt 1.200 năm qua. Vì lễ hội Onbashira chỉ diễn ra 7 năm một lần, nên rất được người dân và du khách mong chờ.
Lễ hội được chia thành hai phần chính: yamadashi (cưỡi gỗ xuống núi) trong ba ngày liên tiếp vào đầu tháng 4 và satobiki (vào đền và dựng những cây cột) vào giữa tháng 5.
Người dân sẽ chặt bốn khúc gỗ lớn, được đốn bằng tay (khúc gỗ lớn nhất dài 16m, rộng 1m và nặng 10 tấn) và di chuyển khúc gỗ bằng sức người, kéo từ rừng vượt qua nhiều địa hình để đến đền thờ. Khi đến nơi, họ dựng thẳng những khúc gỗ xuống đất, mỗi khúc ở một trong bốn góc của đền thờ.
Người ta tin rằng, khi những cây cột tự nhiên này được dựng lên, toàn bộ khu vực sẽ được “đổi mới” về mặt tâm linh, vì các linh hồn thiêng liêng được cho là ngự trong 4 chiếc cột.
4/ Lễ hội Nabe Kanmuri Matsuri (鍋冠祭)
Địa điểm: Asazumachikuma, thành phố Maibara, tỉnh Shiga
Được tổ chức vào ngày 3/5 hàng năm, lễ hội “đội nồi” ở thành phố Maibara, tỉnh Shiga là một trong những lễ hội lâu đời nhất ở Nhật Bản. Các bé gái khoảng tám tuổi, mặc những bộ kimono màu xanh lá cây và đỏ cam, gọi là kariginu (quần áo săn bắn), đội nồi trên đầu và đi bộ khắp thành phố.
Có nhiều giả thuyết về nguồn gốc của lễ hội, trong đó giả thuyết phổ biến nhất là người dân nơi đây khi dâng thức ăn (trong nồi) cho các vị thần để cầu may mắn.
Ngoài ra, truyền thuyết có từ thời Heian (794–1185) kể rằng: những người phụ nữ ở thành phố Maibara thường đội số nồi trên đầu bằng với số lượng người yêu cũ của họ, khi đi dạo đến đền thờ Chikuma. Vào một năm nọ, một người phụ nữ quyết định gian lận số lượng người yêu cũ, hay số nồi thực sự trên đầu cô ấy (có lẽ số lượng nồi quá nặng khi đội lên), khiến những chiếc nồi rơi xuống đất thành đống hỗn độn. Những người dân biết được số lượng “thực”, sau đấy đã chê cười cô.
Lễ hội Nabe Kanmuri Matsuri là di sản văn hóa dân gian phi vật thể của thành phố Maibara.
5/ Lễ hội Abare Matsuri (あばれ祭り)
Địa điểm: Đền Yasaka Jinja ở Ushitsu, Noto-cho, Ishikawa
Thường được gọi là “Lễ hội lửa và bạo lực”, sự kiện mùa hè này ở Noto, tỉnh Ishikawa, có lẽ là nơi duy nhất ở Nhật Bản mà việc trở nên điên rồ được chào đón. Bạn càng hành động điên rồ, các vị thần sẽ càng hài lòng.
Lễ hội bắt đầu cách đây hơn 350 năm khi thị trấn Noto đang có dịch bệnh nghiêm trọng. Người dân thị trấn được khuyên nên bắt đầu một lễ hội lớn để giúp xua tan bệnh dịch và thật kỳ diệu là mọi người đều được chữa khỏi. Lễ hội Abare ngày nay bao gồm việc ném và đập vỡ kiriko (đèn lồng) và mikoshi (đền thờ di động) xuống dòng sông chảy qua thị trấn; đổ rượu sake và đốt kiriko và mikoshi.
Lễ hội được tổ chức vào thứ Sáu và thứ Bảy đầu tiên của tháng Bảy hàng năm.
6/ Lễ hội Hirakata no Doro Inkyo (平方のどろいんきょ)
Địa điểm: 488 Hirakata, Ageo-shi, Saitama
Vào ngày 17/ 7 hàng năm, người dân thị trấn Ageo, tỉnh Saitama vẫn giữ truyền thống lăn mình và nhúng mikoshi (đền thờ di động) trong bùn, để cầu sức khỏe và hạnh phúc. Đàn ông thường mặc trang phục giống như khố, mang theo những ngôi đền di động gọi là Inkyo và đến thăm nhà của giáo dân, nơi nước được rắc lên mikoshi. Sau đó, họ tiếp tục lăn mikoshi và chính mình trong bùn.
Lễ hội Hirakata no Doro Inkyo là di sản văn hóa dân gian từ năm 1982 và được công nhận là di sản văn hóa dân gian phi vật thể vào tháng 3/2011. Đây cũng là một trong những lễ hội lớn nhất của tỉnh Saitama.
7/ Lễ hội Ryusei Matsuri (龍勢祭り)
Địa điểm: Đền Yoshida Muku, 7377 Shimoyoshida, Chichibu, Saitama
Hàng năm, vào Chủ Nhật thứ hai của tháng 10 tại Chichibu, tỉnh Saitama, lễ hội Ryusei Matsuri diễn ra suốt 400 năm qua. 27 trường học địa phương sẽ phóng tên lửa bằng tre và gỗ thông lên trời cao theo hình thức nghi lễ Shinto dành riêng cho đền Muku. Mỗi tên lửa đều được các trường nghiên cứu và chế tạo tỉ mỉ, sáng tạo, gắn chiếc ô giấy nhỏ, pháo hoa… gọi là shoimono. Nhiều chiếc tên lửa có thể bay xa hơn 300 mét.
8/ Lễ hội Paantu (パーントゥプナハ)
Địa điểm: Miyakojima, Okinawa
Paantu là một lễ hội có từ nhiều thế kỷ trước diễn ra trên đảo Miyakojima, Okinawa. Trong lễ hội, ba người đàn ông hóa trang thành paantu – những linh hồn ma quỷ phủ đầy bùn và lá cây từ đầu đến chân. Họ được giao nhiệm vụ xua đuổi ma quỷ và tẩy sạch vận rủi trên hòn đảo. Những paantu đuổi theo cả trẻ em và người lớn bằng cách ném bùn vào họ.
Người ta tin rằng việc bị paantu chạm vào sẽ mang lại may mắn cho năm tới. Dù vậy, nhiều em nhỏ khóc và một số người lớn la hét khi bị ném bùn cũng là cảnh tượng không hiếm.
9/ Lễ hội Akutai Matsuri (悪態まつり)
Địa điểm: Đền Atago, 102 Izumi, Kasama-shi, tỉnh Ibaraki
Đây là lễ hội chửi thề thường niên tại đền Atago, tỉnh Ibaraki, nơi cả già lẫn trẻ đều được khuyến khích chửi bới 13 nhà sư hóa trang thành tengu (yêu tinh mũi dài). Trong khi đó, những người tụ tập quanh tengu sẽ tranh giành một vật phẩm trông giống như tấm thảm tre dùng để cuộn sushi, với một giải thưởng nhỏ ở bên trong. Bất kỳ ai có thể gỡ tấm thảm ra khỏi tay những thí sinh khác sẽ gặp may mắn trong năm tới. Hành động chửi thề được chào đón tại lễ hội này giống như cách giúp mọi người trút hết mọi căng thẳng.
Bạn có muốn tham gia các lễ hội kỳ lạ này không?