Hiệp hội Hỗ trợ Tomoiki Nhật-Việt là tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại chùa Nishinkutsu nằm ở quận Minato, Tokyo. Đơn vị này do bà Yoshimizu Rie làm đại diện, với 18 nhân viên gồm 6 người Nhật và 12 người Việt Nam.
Mục tiêu của Hiệp hội Tomoiki là hỗ trợ cho người Việt Nam tại Nhật Bản, đặc biệt là các thực tập sinh và du học sinh. Cụ thể sẽ hỗ trợ thực phẩm, giúp bạn tìm việc làm, chuyển đổi tư cách lưu trú, dạy tiếng Nhật miễn phí…
Hơn nửa thế kỷ giúp đỡ cộng đồng người Việt tại Nhật
Theo chia sẻ của bà Yoshimizu trên Kyuminyokin.info, lý do tổ chức Tomoiki ra đời bắt nguồn từ ký ức tuổi thơ. Cha bà vốn là trụ trì một ngôi chùa thuộc phái Jodo ở tỉnh Saitama. Năm 1963, ông đã giúp đỡ các nhà sư Việt Nam sang du học Nhật Bản và bố trí chỗ ở cho họ. Sau này cha bà tiếp tục hỗ trợ nhiều người Việt Nam gặp khó khăn tại Nhật. Bà Yoshimizu lớn lên, được tiếp xúc với những người Việt Nam trong các hoạt động của cha, đã dần dành nhiều tình cảm cho cộng đồng người Việt.
Từ năm 2013, bà Yoshimizu bắt đầu cùng cha thực hiện các hoạt động hỗ trợ người Việt. Trong đó, bà quan tâm đặc biệt tới các thực tập sinh và du học sinh khi họ gặp nhiều khó khăn, các nghiệp đoàn và xí nghiệp đối xử không thỏa đáng. Nhiều lao động phải sống trong điều kiện tồi tàn và nhận lương không tương xứng với thời gian làm việc…
Hiệp hội Hỗ trợ Tomoiki Nhật-Việt được thành lập, đóng vai trò giúp người Việt được đảm bảo các quyền lợi chính đáng về nhà ở, công việc, chế độ lương, tư cách lưu trú…
Hết lòng cưu mang người Việt trong Covid-19
Trong năm 2020-2021, Tomoiki đã giang tay giúp đỡ hơn 10.000 người Việt Nam lâm vào cảnh túng quẫn do đại dịch.
Tổ chức này có trụ sở tại một ngôi chùa ở Minato, Tokyo nên trong đại dịch đã trở thành mái nhà cưu mang hàng trăm người Việt chưa thể về nước do không có chuyến bay hồi hương. Các bạn được hỗ trợ đồ ăn thức uống, chỗ ngủ miễn phí. Một số người qua đời đã được tổ chức tang lễ ngay trong khuôn viên chùa.
Tomoiki cũng tổ chức các buổi dạy tiếng Nhật miễn phí và hỗ trợ tìm việc cho nhiều bạn trẻ rơi vào tình cảnh mất việc làm do Covid-19. Những phụ nữ mang thai, hoặc người mắc bệnh được đơn vị đặc biệt quan tâm. Bà Yoshimizu cũng đã liên hệ với Cục Di trú và Bộ Tư pháp Nhật Bản, gửi kiến nghị gia hạn tư cách lưu trú cho họ.
Điều gì thúc đẩy Tomoiki luôn giang tay giúp đỡ người Việt?
Bà Yoshimizu chia sẻ, khi nghĩ về những người Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn, bà thường tự vấn “Sao chuyện này lại có thể xảy ra?”. Bà dành nhiều thời gian nghiên cứu về chương trình thực tập sinh kỹ năng và những hạn chế của nó. “Lương tâm tôi luôn tự hỏi Tomoiki có thể làm gì để bảo vệ tính mạng và quyền con người cho họ. Đây là nền tảng cho các hoạt động hỗ trợ của chúng tôi”, bà nói.
Dù nhiều thực tập sinh và du học sinh có thể nói tiếng Nhật ở trình độ đàm thoại hàng ngày, bà Yoshimizu hiểu, họ gặp khó khăn khi trao đổi các vấn đề về pháp lý hoặc y tế bằng tiếng Nhật. Do đó, Tomoiki luôn sẵn sàng hỗ trợ. Ngoài ra, đơn vị còn hợp tác với nhiều chuyên gia, tổ chức trong các lĩnh vực. “Chúng tôi cộng tác với Rengo Tokyo về các vấn đề việc làm, liên kết với nhiều giáo viên, bệnh viện để hỗ trợ người Việt về các vấn đề y tế, giáo dục…”, bà Yoshimizu cho biết.
Bà cũng tích cực sử dụng Facebook để kết nối với cộng đồng người Việt ở Nhật. Mỗi ngày bà đều nhận được hàng chục tin nhắn SOS cần giúp đỡ. Những lúc cao điểm, có hàng trăm cuộc gọi, tin nhắn gửi đến bà. “Những người ở vùng lân cận Tokyo có thể đến chùa. Với người ở tỉnh xa, chúng tôi sẽ trả chi phí di chuyển đến Tokyo cho họ”.
Bảo vệ quyền lợi của thực tập sinh
Đây là nhóm đối tượng được Tomoiki giúp đỡ rất nhiều, nhất là trong Covid-19.
Tháng 11/2022, Tomoiki nhận được yêu cầu hỗ trợ của thực tập sinh đang làm việc cho một công ty ở thành phố Seiyo, tỉnh Ehime. 11 thực tập sinh đã bị công ty nợ lương tổng khoảng 27 triệu yên. Sau nhiều nỗ lực, đơn vị đã hỗ trợ thành công cho các thực tập sinh.
Dù môi trường làm việc của các thực tập sinh đã và đang được cải thiện. Nhưng Hiệp hội Hỗ trợ Tomoiki vẫn tiếp tục nhận được các tin nhắn SOS mỗi ngày. Bà Yoshimizu vẫn miệt mài làm việc và thay mặt truyền tải những tiếng nói của cộng đồng người Việt tới Cục Di trú Tokyo cùng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi.
“Tôi thực sự hạnh phúc khi các cán bộ của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi đã gửi những lời động viên đến Tomoiki. Với tôi, tôi không cho rằng công việc đang làm có sứ mệnh đặc biệt. Tôi chỉ nghĩ rằng tôi muốn giúp người Việt và muốn lan tỏa tới nhiều người để cùng xây dựng một cộng đồng tốt đẹp”, bà Yoshimizu nói.
Nếu bạn gặp bất kỳ khó khăn nào khi sinh sống, làm việc tại Nhật Bản, hãy liên hệ tới Hiệp hội Hỗ trợ Tomoiki Nhật- Việt.
Điện thoại: 03-6435-6644
Địa chỉ: Tokyo, Minato-ku, Shibakoen 2-22-1-203 (chùa Nishinkutsu)
Email: n.tomoiki@gmail.com