Nhiều tỉnh Nhật Bản không phổ biến gây tê ngoài màng cứng
Theo Japan Times, số lượng phụ nữ lựa chọn phương pháp gây tê ngoài màng cứng khi sinh con đang gia tăng ở Nhật Bản. Số liệu do Hiệp hội Sản phụ khoa Nhật Bản (JAOG) công bố đầu tháng 4/2025 cho thấy, trong tổng số 721.000 ca sinh năm 2024, có 13,8% ca sử dụng thuốc gây tê ngoài màng cứng, giúp giảm đau trong quá trình chuyển dạ. Đây là mức tăng đáng kể so với sáu năm trước, vào năm 2018, khi tỷ lệ này chỉ 5,2%.
Tuy nhiên, sự gia tăng này chủ yếu tập trung ở các khu vực đô thị như Tokyo với 30% phụ nữ sử dụng thuốc gây tê ngoài màng ứng khi sinh. Theo sau là các tỉnh Chiba, Kanagawa và Kumamoto với gần 25%. Một phần nguyên nhân do Tokyo khởi động chương trình trợ cấp từ năm tài chính 2024 cho phụ nữ sinh con sử dụng thuốc gây tê ngoài màng cứng. Chi phí này vốn không được bảo hiểm y tế quốc gia chi trả.
Trong khi đó, tỉ lệ sử dụng phương pháp gây tê ngoài màng cứng vẫn ở mức thấp ở nhiều khu vực. Tại tỉnh Kochi, không có trường hợp nào được báo cáo trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2024. Cũng không có ca sinh nở nào bằng phương pháp gây tê ngoài màng cứng ở tỉnh Iwate kể từ năm 2020.

Sự chênh lệch này bắt nguồn từ việc thiếu cơ sở vật chất ở các vùng nông thôn Nhật Bản, khi không đáp ứng được yêu cầu cho các ca gây tê ngoài màng cứng. Theo dữ liệu của nhóm chuyên gia tại Bộ Y tế công bố tuần trước, chưa đến một nửa số bệnh viện trong cả nước cung cấp phương pháp sinh nở gây tê ngoài màng cứng.
Thực tế, gây tê ngoài màng cứng là phương pháp tiêu chuẩn ở nhiều nước phương Tây, với khoảng 70% phụ nữ sinh con ở Mỹ lựa chọn. Tuy nhiên, việc sử dụng phương pháp này ở Nhật Bản vẫn còn thấp, một phần nguyên do nữa là nước này vốn có truyền thống khuyến khích sinh nở tự nhiên.
Bảo hiểm y tế công cũng không chi trả cho gây tê ngoài màng cứng. Nghĩa là hộ gia đình sử dụng phương pháp này phải chịu chi phí có thể dao động từ 100,000 – 200,000 yên. Khảo sát của Bộ Y tế cho thấy giá trung bình của gây tê ngoài màng cứng tại các bệnh viện trên cả nước là khoảng 120,000 yên.
Hiện chính quyền Tokyo triển khai chương trình trợ cấp tới 100,000 yên hỗ trợ phụ nữ sử dụng phương pháp này.
Thiếu trầm trọng bác sĩ gây mê
Thực tế người thực hiện thủ thuật gây tê ngoài màng cứng là các bác sĩ gây mê, vốn đang là nguồn nhân lực thiếu nghiêm trọng trên toàn quốc.
Japan Times cho rằng, việc tỉ lệ sản phụ sử dụng phương pháp gây tê ngoài màng cứng ngày càng tăng, nhưng số lượng bác sĩ gây mê không tăng, đồng nghĩa với việc quy trình phức tạp này có thể được tiến hành vội vàng hoặc được thực hiện bởi bác sĩ ít kinh nghiệm. Điều này có thể dẫn đến các trường hợp xảy ra không mong muốn.
“Nhiều ca gây mê sản khoa ở Nhật Bản được thực hiện bởi các bác sĩ sản khoa thiếu đào tạo. Nguồn nhân sự hạn chế nên khả năng nhận biết và xử lý đúng cách các biến chứng liên quan đến gây mê cũng đặt ra dấu hỏi lớn”, Ayumi Maeda, một bác sĩ gây mê nhận định.

Biến chứng cho sản phụ
Ở khía cạnh khác, bản thân phương pháp gây tê ngoài màng cứng cũng có thể để lại các tác dụng phụ không mong muốn cho sản phụ. Trong 12,7% ca sinh nở có hỗ trợ gây tê ngoài màng cứng được ghi nhận, các bà mẹ phải đối mặt với các biến chứng do gây mê dẫn đến các di chứng. Điển hình là gây tê tủy sống liều cao, khi tác dụng gây tê lan rộng hơn dự kiến và độc tính của thuốc gây tê tại chỗ.
“Ngay cả một chuyên gia như tôi, người hành nghề tại một bệnh viện cấp bốn với 7.000 ca sinh nở hàng năm, cũng liên tục đấu tranh với nỗi sợ có thể gây ra biến chứng cho sản phụ”, bác sĩ Maeda cho biết.