Giới đầu cơ “nằm yên” chờ đồng yên và USD thu hẹp khoảng cách

Giới đầu tư không đạt được kỳ vọng về sự hồi phục của đồng yên suốt hai năm qua, nhưng vẫn mong chờ những tín hiệu tích cực trong năm 2025.

Chiều ngày 18/11/2024, hãng tin Bloomberg có bài phân tích chuyên sâu xung quanh những đồn đoán về diễn biến mới của đồng yên Nhật và đồng bạc xanh USD.

Một số quan điểm nhận định, có khả năng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ điều chỉnh tăng lãi suất; Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng sẽ cắt giảm thêm lãi suất. Hai động thái này có thể sẽ thúc đẩy đồng yên phục hồi lên mức 130 yên/USD.

Những dự báo này được đưa ra sau khi xem xét thận trọng sự biến động của yên Nhật trong suốt năm 2024. Đồng thời, thị trường khó đoán định những chính sách mới sẽ được thực thi dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ tác động như thế nào đến chính sách của Fed và thị trường tài chính toàn cầu.

Nếu đồng yên trở lại mạnh hơn sẽ tác động đến các loại tài sản, tạo ra lực cản cho thị trường chứng khoán Nhật Bản, nhưng sẽ tạo đà cho các doanh nghiệp nước này có năng lực dồi dào hơn để thực hiện các thương vụ M&A (mua bán và sáp nhập) ở nước ngoài. Song song, giới đầu tư cũng sẽ ít có xu hướng sử dụng đồng yên cho các khoản đầu tư có lợi suất cao hơn ở nước ngoài và có thể sẵn sàng chuyển tiền về lại Nhật.

Hai chuyên gia Masafumi Yamamoto và Masayoshi Mihara, chiến lược gia tại Mizuho Securities Co., cho rằng, “Fed dự kiến sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất và BOJ dự kiến điều chỉnh tăng lãi suất khoảng 6 tháng một lần. Có thể dẫn đến việc thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản”. Ngoài ra, hai vị này còn nhận định “Không phải tất cả các chính sách của ông Trump đều sẽ làm đồng USD mạnh hơn nữa”. Đồng yên có thể sẽ tăng vọt lên mức 130 yên/USD vào cuối năm 2025 – mức chưa từng thấy kể từ đầu năm 2023.

Đồng tình với nhận định này, các chuyên gia tại Nomura Securities Co. và Saxo Markets cũng dự đoán đồng tiền của Nhật Bản sẽ tăng tới 140 yên đổi 1 USD.

Tuy vậy, các dự báo trên hiện đang trái ngược với tình hình hiện tại.

Tờ 10,000 yên Nhật mới phát hành năm 2024 . Ảnh: Japan Times

Theo Bloomberg, giới đầu cơ bi quan về đồng yên từ hồi tháng 8, trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ. Sau đó, đồng USD tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2022 so với hầu hết các loại tiền tệ khác khi có thông tin về việc ông Trump có khả năng đắc cử. Xu hướng này được gọi là “Trump Trades”.

Dữ liệu mới nhất của Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) cho thấy, các quỹ sử dụng đòn bẩy đã tăng cược đồng yên giảm giá, hôm 12/11, với các nhà bán khống yên Nhật ở mức cao nhất kể từ tháng 7.

Ông Yujiro Goto, Giám đốc chiến lược ngoại hối tại Nomura Securities Co., nhận định: “Chúng tôi thấy rủi ro tăng giá ngắn hạn đối với đồng USD so với đồng yên, nhưng dự kiến đồng yên sẽ mạnh hơn vào năm 2025”. “Fed và các ngân hàng trung ương lớn khác vẫn đang cắt giảm lãi suất ngay cả khi hiện nay ông Trump chắc chắn nắm quyền nước Mỹ”. Ông cho rằng mối lo ngại về thuế quan sẽ trợ giá cho đồng yên so với các loại tiền tệ khác.

Giới đầu tư “rỉ tai” rằng hơn 80% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 1/2025, có thể giảm mối lo ngại về đồng yên.

Chuyên gia Yujiro Goto lưu ý, sự can thiệp và các cảnh báo của BOJ có thể hạn chế rủi ro chênh lệch giá giữa USD và yên Nhật. Trước đó, ông Atsushi Mimura – chuyên gia tiền tệ hàng đầu của Nhật Bản nói rằng nước này sẽ có hành động thích hợp chống lại bất kỳ động thái chênh giá quá lớn sau khi ông Trump đắc cử. Hành động của ông Mimura ngay lập tức khiến đồng yên rớt giá thêm.

Diễn biến chênh lệch giữa đồng USD và yên Nhật. Ảnh: Bloomberg

Các nhà phân tích cho rằng, mặc dù tỷ giá USD và yên Nhật được cho là đang giảm, nhưng không phải là giao dịch một chiều. Những bất ổn xung quanh tốc độ cắt giảm lãi suất của Fed và chính sách áp thuế quan của ông Trump có thể tạo ra những rào cản đáng kể cho đồng yên.

Alvin Tan, giám đốc chiến lược FX Châu Á tại RBC Capital, cho biết cơ quan này đã dự đoán đồng yên sẽ phục hồi khi lãi suất của Mỹ giảm dần. Nhưng chiến thắng của ông Trump là “một yếu tố bất ngờ lớn”. Đồng thời nhận định đồng yên sẽ khó tăng giá qua mức 140.

Mặc dù BOJ bày tỏ về lộ trình tăng lãi suất một cách từ từ, theo Bloomberg đánh giá, bất kỳ động thái nào rút lại kỳ vọng nới lỏng của Fed cũng sẽ gây áp lực lên đồng yên.

Naomi Fink, chiến lược gia toàn cầu tại Nikko Asset Management cho biết, Fed đã để ngỏ “khả năng nền kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng nóng và lạm phát có thể cao hơn dự kiến. Trong trường hợp đó, các đợt tăng lãi suất trước đây được định giá vào đường cong lợi suất sẽ bị loại bỏ”. Điều này nghĩa là chênh lệch lãi suất vẫn tồn tại, USD vẫn là đồng tiền mạnh và được ưa chuộng hơn so với đồng yên, nhất là trong bối cảnh địa chính trị phức tạp.

Thêm vào đó, dòng vốn chảy khỏi Nhật Bản lớn hơn thặng dư tài khoản vãng lai, cũng gây áp lực lên đồng yên. Mitsubishi UFJ Morgan Stanley dự báo: tới cuối năm 2025, tỉ giá đồng yên vào khoảng 154,50 yên/USD.
Trong khi đó, BOJ không đưa ra các động thái rõ ràng rằng có điều chỉnh tăng lãi suất tới đây hay không. Điều này thực sự có thể tác động đến chênh lệch khoảng cách giữa hai đồng tiền tệ này.

Hôm qua, 18/11, Thống đốc BOJ – ông Kazuo Ueda phát biểu trong tâm thế lạc quan về đợt tăng lãi suất trong tháng tới, nhưng không khẳng định rõ ràng. Ngay sau đó, đồng yên đã giảm 0,5%, chốt phiên giao dịch ở mức 154,42 yên/USD.

Ông Charu Chanana, chiến lược gia đầu tư chính tại Saxo Markets (Singapore) nhận định, nền kinh tế Mỹ tiếp tục suy thoái, thúc đẩy Fed cắt giảm lãi suất có thể sẽ khiến đồng yên giảm xuống mức 140.

Scroll to Top